Không cần phải mời thầy về nhà hay cầu kỳ mang lễ vật đến nhà ông đồ mới xin được chữ, câu đối treo ngày Tết, ngày nay, chỉ cần ra phố Ông Đồ là có thể thỏa ước nguyện. Dù cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi nhiều tục xin, cho chữ ngày Tết, nhưng đây vẫn là một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ.
Chọn thầy xin chữ
Xưa kia, ông đồ là người có sức ảnh hưởng về tinh thần rất lớn, với tài năng, cốt cách, tâm và trí của một người vừa dạy chữ thánh hiền, vừa truyền trao nghệ thuật thư pháp. Người đời thì trọng thầy, trọng chữ đến xin chữ, thầy đồ thì chọn người, chọn chữ để tặng. Ai được thầy gọi đến tặng chữ mới thực là người có phúc, có tâm và may mắn. Bởi thế, truyền thống xin, cho chữ đầu năm không chỉ là một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ bao đời, mà nó còn thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, tinh thần hiếu học.
Ông đồ trên phố Văn Miếu (Hà Nội) cho chữ ngày xuân.
Hơn chục năm nay, người Hà Nội quen với cái tên gọi phố Ông Đồ (phố Văn Miếu) mỗi dịp Tết đến, xuân về. Với mực tàu, giấy đỏ cùng đôi câu đối, bức thư pháp treo trên bức tường rêu phong của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các ông đồ già có, trẻ có, khăn đóng áo dài, được dịp "phóng tay bút", thể hiện tài năng thư pháp của mình. Năm nào người đi xem, đi xin chữ cũng đông như ngày hội từ những ngày giáp Tết cho đến hết Rằm tháng Giêng.
Anh Đỗ Quốc Toản (Thanh Xuân, Hà Nội) năm nào cũng đi xin chữ cầu may chia sẻ: “Mỗi ông đồ có một lối viết khác nhau, theo tính cách và cá tính của từng người và có cách kiến giải riêng theo cách hiểu của bản thân về từng chữ. Tôi hay xin chữ của ông đồ Nam Phương Vũ Cao Kỳ, tôi thấy ông là người có nét chữ mềm mại, đầy đặn, tròn trịa với cách kiến giải uyên thâm theo thuyết "Thiên địa nhân" hay "Hữu thọ khang ninh" rất chặt chẽ. Hay như ông đồ Lại An Khánh có cách viết rắn rỏi, quắc thước, rất giống với phong thái của người viết. Mỗi ông đồ đều có những nét riêng, mọi người ai cảm thấy hợp với mình thì xin, đó cũng là cái duyên đầu xuân".
Các ông đồ trẻ năm nay ngồi ở phố Văn Miếu có vẻ ít hơn mọi năm, có lẽ họ không “cạnh tranh” được với các ông đồ già. Một phần cũng vì tín ngưỡng và phong tục người dân vẫn quan niệm xin lộc của người già, bên cạnh đó, những “cụ đồ già” do luyện nhiều thư pháp sẽ nhuần nhuyễn, lại kết hợp cả giáo lý nho giáo phong thủy Kinh dịch vào chữ viết của mình, nên được mọi người xin nhiều hơn. Nhưng vẫn có những ông đồ trẻ với thư pháp có những phá cách sáng tạo khá đặc sắc tạo được sự khác biệt nên cũng thu hút được nhiều người đến mua, xin chữ.
Chữ "vận" vào người
Theo các nhà nghiên cứu, xin chữ đầu năm mang ý nghĩa tốt đẹp là người dùng chữ biết chân quý giá trị của chữ, cũng là ước vọng xin cái may mắn, cái phúc đức mang về nhà mong cả năm đó may mắn, tốt lành. Đôi khi xin chữ cho con trẻ cũng mang ý nghĩa dạy bảo, răn đe con cháu trong nhà sống đúng như ý nghĩa của mỗi con chữ xin về. Thông thường người ta thiếu cái gì thì xin chữ đó.
Tuy nhiên, nhiều người đi xin chữ ngày nay không còn thái độ "vô tư" với chữ nữa, mà họ có quan niệm làm biến tướng ý nghĩa tốt đẹp của tục xin chữ đầu năm, đó là quan niệm "chữ vận vào người", nghĩa là xin được chữ gì thì ý nghĩa của chữ đó sẽ quyết định số mệnh, tài vận của mình trong cả năm. Thế nên người ta nhiều khi sẵn sàng bỏ ra không chỉ 100.000 - 200.000 đồng, có khi tới cả triệu đồng để xin chữ như ý. Ông đồ Lại An Khánh đã nhiều năm cho chữ trên phố Văn Miếu chia sẻ: “Mỗi người đi xin chữ ngày nay đều xin theo tâm nguyện của mình, người buôn bán, kinh doanh thì xin chữ tài chữ lộc, người cầu con cái xin chữ phúc, người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ thọ, người năm tới thi cử thì xin chữ tài, chữ đạt... thì rất nhiều, nhưng xin câu đối để thờ hay xin chữ để răn người như chữ đức, chữ tâm thì rất ít, có lẽ cách cầu cạnh của người nay cũng đã khác xưa”.
Vẫn ý nghĩa xin chữ để thờ chữ trong nhà, nhưng xin chữ ngày nay khác xưa ở chỗ chữ nghĩa đều đã được “vật chất hóa”, người cho chữ coi việc cho chữ như một nghề để “kiếm sống” mỗi dịp xuân về, còn người đi xin chữ thì sẵn sàng bỏ tiền xin chữ theo nguyện vọng của bản thân, cầu may, cầu tài lộc cho năm mới. Thậm chí nhiều ông đồ nhận biết tâm lý của người mua chữ đã tự đặt giá rất cao cho mỗi chữ mình viết theo yêu cầu của người mua, làm mất đi tính nhân văn cao đẹp của tục xin chữ về thờ. Văn Miếu - Quốc Tử Giám vì vậy cũng vô tình trở thành nơi cầu cạnh xô bồ. Ý nghĩa thực sự của xin chữ từ đó cũng không còn là truyền thống hiếu học, là tôn sư trọng đạo như xưa nữa.
Tuy vậy điều đáng nói ở đây là, nhiều người hằng năm vẫn tới đây chỉ để nghe bình chữ, ngâm thơ, chiêm ngưỡng nét chữ, câu đối của các ông đồ.
Dù bị biến tướng nhưng giữa nhịp sống nhanh, gọn, giữa những văn bản đánh máy, người ta vẫn còn nhớ đến việc thờ chữ trong ngày đầu năm thì đó cũng là một điều đáng mừng khi nét đẹp văn hóa truyền thống này vẫn còn tồn tại dù có chút đổi thay...
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]