Vào cổng điện tử của Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, thấy số liệu về các vụ tai nạn giao thông cập nhật từ năm… 2012. Có muốn biết về tình hình an toàn giao thông ở đây cụ thể thế nào cũng chịu.
Nhưng đọc về hoạt động của môt đội xe ôm tự quản có tên là “Đội xe ôm cấp cứu thị trấn Hà Lam” thì đoán được tình trạng tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khá thường xuyên. Đội xe ôm này gồm 34 thành viên. Nghề chính của họ dĩ nhiên là xe ôm, trên địa bàn thị trấn Hà Lam và các xã Bình Phục, Bình Triều, Bình Quý của huyện Thăng Bình.
Ngã tư Hà Lam là điểm giao thương giữa các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên. Đứng đây đưa đón khách thập phương, chứng kiến những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên đường, mà đợi xe cứu thương đến kịp có khi nạn nhân nguy đến tính mạng. Thế là tự nguyện, chẳng cần công xá gì, anh em đội “Xe ôm cấp cứu” không chút đắn đo đưa ngay người bị nạn đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất.
Những người lái xe ôm mà chúng ta vẫn thấy đứng ở mỗi đầu đường trong thành phố, có thể rất quen và thân thiện, nhưng chúng ta nghĩ họ là người làm dịch vụ, có thể tranh giành khách của nhau và lấy gấp đôi tiền những khách lớ ngớ. Chúng ta không biết rằng những người đứng đường có khi có những cuộc sống thật đẹp, và cái đẹp ấy do chính họ chọn.
Điều rất đáng ca ngợi là hoạt động cứu người của đội xe ôm này là một hoạt động có tổ chức. Đội “xe ôm cấp cứu” được chia làm hai tổ, mỗi tổ phân thành nhiều nhóm nhỏ đứng chốt ở 4 đầu ngã tư thị trấn Hà Lam. Bất kể lễ, Tết, ngày nghỉ, ngày hay đêm các thành viên trong đội theo sự phân công hoạt động vẫn bám chốt, vừa hành nghề xe ôm, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, vừa kiêm nhiệm vụ đưa nạn nhân đi cấp cứu khi có tai nạn giao thông.
Đội xe ôm cấp cứu thị trấn Hà Lam. Ảnh: Báo Quảng Nam
Chính vì luôn túc trực trên tuyến đường này cả ngày lẫn đêm nên họ giống “lực lượng phản ứng nhanh” mỗi khi có tai nạn giao thông xảy ra, với tinh thần cứu người là trên hết. Có khi phải một người cầm lái, người đỡ nạn nhân, có khi phải đưa nạn nhân đi lúc nửa đêm.
Đọc bài báo mà thấy như đọc chuyện cổ tích, 34 con người ấy gắn kết nhau từ người làm nghề xe ôm lâu năm đến người mới bắt đầu vào nghề. Đã xe ôm, thì đều nghèo. Vậy mà giúp đỡ người bị nạn không bao giờ nhận tiền, chỉ coi là việc tích đức. Mỗi tháng mỗi thành viên còn tự bỏ tiền túi 30.000 đồng để thăm hỏi người bị nạn hoặc động viên anh em trong nhóm lúc gặp khó khăn.
Cứ hình dung cách họ hành xử, mà mừng vì trên đời còn nhiều những anh hùng nghĩa hiệp. Có thể họ chẳng bao giờ “chém gió” trên bàn phím, không bàn những chuyện to tát vĩ mô, họ lo làm ăn nuôi mình và gia đình. Và họ cứu người một cách thật giản đơn khi bắt buộc phải làm thế, không tính toán bao giờ.
Tai nạn giao thông trên địa bàn Quảng Nam, cũng như trên mọi địa bàn khác của đất nước, chắc chắn không phải ít. Chỉ hơn một năm, đội “xe ôm” đã can thiệp, giúp đỡ kịp thời hàng trăm vụ tai nạn lớn nhỏ, đều là tự nguyện, đều không tiền công hay quà cáp.
“Việc của chúng tôi đang làm không có lương tháng, nhưng lương tâm thì luôn sẵn sàng. Anh em thống nhất với nhau giúp dân bằng tấm lòng, không ai được lợi dụng để trục lợi. Nếu bị phát hiện vi phạm, lập tức sẽ bị loại khỏi nhóm”, lời anh Lê Văn Xuân- một thành viên trong đội.
Nếu có bình chọn câu nói hay nhất đầu năm, tôi xin chọn câu này. “Không có lương tháng nhưng lương tâm thì luôn sẵn sàng”.
Giá ai cũng nghĩ về lương tâm (và cả lương tháng nữa) môt cách nhẹ nhàng như thế, đời sẽ tốt đẹp lên bao nhiêu!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]