1. Tiêu rồi mới tiết kiệm
Nếu bạn vẫn có thói quen tiết kiệm những khoản tiền còn lại sau khi đã chi tiêu, thì đó là một thói quen xấu cần sửa ngay lập tức. Để có được một khoản tiết kiệm tương đối trước tuổi 30, những người biết cách quản lý tài chính luôn dành ra một khoản cố định thu nhập của mình để tiết kiệm. Khoản cố định này có thể dao động từ 5-10% thu nhập phụ thuộc vào những khoản bạn cần chi. Nếu chỉ tiết kiệm sau khi đã tiêu, rất có thể bạn sẽ gặp tình huống “vung tay quá trán” và đánh bay tháng lương của mình trước khi kịp “cho heo ăn” đấy nhé.
Để tránh tiêu sang khoản tiết kiệm, bạn có thể thử cách đặt ra mức chi tối đa cho một tháng, gửi ngân hàng, nhờ người thân giữ hộ,…
Chi tiêu quá đà vào mua sắm dễ khiến bạn "rỗng túi" dù đã 30 tuổi. Ảnh: minh họa
2. Chỉ tiết kiệm "tượng trưng" vì sợ mang tiếng ki bo
Đôi lúc, bạn cảm thấy những người giàu có còn chi tiêu “chặt chẽ” hơn cả mình và tự nhủ sao họ phải “ki bo” như vậy. Thực ra, chính nhờ cái tính “ki bo” đó mới giúp họ có “của ăn của để”. Vì không muốn mang tiếng tằn tiện, nhiều người trong chúng ta vẫn thỉnh thoảng lên đời cái điện thoại, mua đồ mới dù không thực sự cần,… Nhất là phụ nữ trẻ, đôi khi không “kiểm soát” được sở thích mua sắm của mình, cái gì cũng phải chạy theo trào lưu thành ra luôn trong tình trạng “nhịn ăn để mặc”.
3. “Đời ngắn lắm, tiền để đấy rồi có mang theo được đâu”.
Quan niệm này chỉ đúng một phần. Bạn chẳng thể mang tiền theo để tiêu dưới… âm phủ, nhưng tiết kiệm không chỉ nhằm mục đích có thứ để hưởng thụ. Những khoản tiết kiệm rất quan trọng trong những lúc bạn hoặc gia đình gặp khó khăn (ốm đau, tai nạn, kinh doanh thất bại…), để giảm bớt phần nào gánh nặng khi bạn không thể làm việc. Nói cách khác, những khoản tiết kiệm giống như một thứ “bảo hiểm tự thân” của bạn. Bạn chẳng biết mình sẽ chết lúc nào, nhưng cũng không biết mình sẽ vấp ngã lúc nào, đúng không?
4. Không ghi chép lại và quản lý sát sao khoản tiết kiệm của mình
Nhiều người chỉ tiết kiệm theo cảm tính mà không có ghi chép cụ thể, nên nhiều lúc không biết được “tiền đi đâu mà hết”. Việc cập nhật thường xuyên tình hình chi tiêu và tiết kiệm sẽ giúp bạn nắm được “tình hình” tài chính của mình để kịp có những điều chỉnh cho phù hợp: cắt giảm khoản nào, bổ sung khoản nào, đầu tư thêm khoản nào,… Đây là một việc tưởng nhỏ nhưng nếu thực hiện thường xuyên, thành thói quen sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tiết kiệm, nhất là trong thời gian đầu khi chưa có kinh nghiệm quản lý chi tiêu cá nhân sao cho hiệu quả.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]