Dưới đây là những quy tắc giúp bạn biết cách "nói chuyện có duyên":
1. Việc gấp, nói từ từ
Bạn vẫn nghĩ, gặp việc gấp thì thì phải nói càng nhanh, càng ngắn gọn càng tốt, có thế người khác mới nhanh chóng nắm được thông tin. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Càng là việc gấp, bạn càng cần có thời gian bình tĩnh suy nghĩ, sau đó mới nói từ từ với người khác. Có như thế, người nghe mới hiểu được những gì bạn nói trong trạng thái ổn định, tin tưởng.
2. Việc nhỏ, nói ẩn ý nhẹ nhàng
Đối với khi nhắc nhở, góp ý, nói lời nhẹ nhàng hoặc dùng những câu trêu đùa hài hước sẽ khiến người nghe dễ tiếp nhận hơn. Họ không chỉ không cảm thấy bị bóc mẽ hay “dìm hàng” mà còn càng có thêm thiện cảm với bạn.
"Lời nói của phụ nữ cũng tương tự như trang sức. Bạn xấu xí vì lời nói, mà cũng lấp lánh vì lời nói." Ảnh: minh họa
3. Việc chưa hiểu kĩ, nói cẩn thận
Có những việc bạn chưa thực sự hiểu rõ đầu đuôi, nhưng nếu không nói ra có thể khiến người khác hiểu lầm rằng bạn đang có điều gì giấu giếm. Khi đó, hãy lựa lời nói một cách cẩn thận, khách quan, chỉ nói những gì bạn thực sự biết chứ đừng nên suy đoán hay đưa thêm bất kì cảm xúc cá nhân nào.
4. Việc chưa xảy ra, đừng suy diễn
Một người phụ nữ thanh lịch, chỉn chu, cẩn thận và có trách nhiệm sẽ không bao giờ “chuyện bé xé ra to”, “chuyện không có gì trở thành có gì” bằng những lời thêu dệt, suy luận vô căn cứ. Suy đoán khi sự việc còn chưa xảy ra sẽ tạo cho người khác cảm giác bạn là con người tùy tiện, thích đưa chuyện, thậm chí họ sẽ trở nên dè chừng vì biết đâu một ngày nào đó chính họ lại là “nạn nhân” của bạn.
5. Việc không chắc làm được, đừng hứa hẹn
“Biết mình biết ta” luôn là một phẩm chất được người khác nể trọng, bởi bạn không quá kiêu ngạo, cũng không quá tự ti, luôn hiểu mình muốn gì và khả năng của mình đến đâu. Những việc cảm thấy có khả năng không làm được, đừng vì cả nể mà cứ thế nhận lời. Như vậy, việc thành cũng là khi bạn đã mệt nhoài, còn việc hỏng thì bạn vừa mệt vừa mất đi uy tín.
6. Việc làm hại đến người khác, tốt nhất không nên nói
Phụ nữ thanh lịch sẽ biết cách nói chuyện có duyên. Ảnh: minh họa
Làm hại người khác, suy cho cùng chính là tạo nghiệp, dù cho bạn chỉ làm việc đó bằng lời nói. Không nên nói những việc làm hại đến người khác, kể cả việc đó có lợi cho bạn thì lợi ích đó cũng sẽ không được lâu dài.
7. Việc làm tổn thương người khác, cân nhắc kĩ trước khi nói
“Nếu bạn không nói được lời nào tử tế, thì tốt nhất nên im lặng”. Bản thân bạn chắc đã từng bị tổn thương bởi những gì người khác nói, nên hiểu lời nói có sức “công phá” vô hình mà mạnh mẽ đến thế nào. Hơn thế nữa, lời nói đau lòng thường rất khó quên, dù sau đó bạn và người ấy có thân thiết đến thế nào, người ta cũng sẽ không quên được sự tổn thương bạn đã gây ra.
8. Việc không phải của mình, nói cẩn thận
Việc không phải của mình tốt nhất là không nên nói. Nhưng nếu phải nói, bạn cũng cần giữ một “khoảng cách” an toàn, đừng tùy tiện phán xét, bình luận, có như vậy người nghe mới thấy bạn là người chân thành và đáng tin cậy.
9. Việc của mình, nghe người khác nói trước khi nói
Trước khi đưa ra lời giải thích cho tình huống của mình, bạn hãy thử lắng nghe cái nhìn của người ngoài cuộc. Điều đó vừa tốt cho bạn khi được nhìn nhận đánh giá khách quan, vừa khiến người đối diện cảm thấy bạn là người khiêm nhường, biết lắng nghe và sửa chữa khuyết điểm.
10. Việc của trẻ nhỏ, nói ôn hòa
Trẻ con chưa hiểu chuyện, thường nghịch ngợm khó bảo, hãy nói với chúng bằng thái độ ôn hòa, chỉ dẫn, quan trọng là cần kiên trì, như vậy sẽ khiến trẻ có cảm tình với bạn, muốn gần gũi và dễ cảm thấy thuyết phục bởi những gì bạn nói.
11. Việc của người lớn tuổi, lắng nghe nhiều hơn
Trước người lớn tuổi hơn bạn, biết cách lắng nghe nhiều hơn nói sẽ thể hiện được thái độ tôn trọng. Hơn thế nữa, bạn còn có cơ hội học được nhiều kinh nghiệm của họ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]