Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Sụt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng
Theo ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines, năm 2014, Tổng công ty cũng gặp không ít khó khăn như một số đồng tiền mất giá (đồng ruble Nga, yen Nhật...) và đặc biệt một số khủng hoảng diễn ra trong năm 2014 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.
Cụ thể, sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã làm thị trường khách sụt giảm 35% so với cùng kỳ, doanh thu bị mất gần 1.500 tỷ đồng, trong đó riêng thị trường Trung Quốc là 1.200 tỷ đồng. Khủng hoảng Thái Lan diễn ra năm 2013 làm giảm 14% lượng khách, doanh thu bị ảnh hưởng là hơn 480 tỷ đồng; bất ổn chính trị tại Ukraine cũng ảnh hưởng tới doanh thu của Vietnam Airlines tới 188 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các vụ tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý khách hàng.
Trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn, Tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp điều hành sản xuất kinh doanh nhằm đạt doanh thu theo kế hoạch như tăng hiệu suất khai thác đội tàu bay; cắt giảm tần suất khai thác ở một số đường bay nhu cầu cung ứng tải giảm; tổ chức lại lao động… nhờ đó đã tiết giảm được 493 tỷ đồng.
Theo báo cáo, năm 2014, Tổng công ty vẫn thực hiện được hơn 118.000 chuyến bay an toàn, chất lượng, tăng 3,8% chuyến bay và 7% số hành khách (đạt hơn 15,75 triệu hành khách) so với năm 2013.
Liên quan đến tình trạng chậm chuyến, Vietnam Airlines đã chủ động triển khai một số biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, rà soát công tác lập và điều hành lịch bay, tăng cường giám sát xử lý những phát sinh có nguy cơ gây chậm chuyến...
Với những nỗ lực trên, năm 2014, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt gần 72.000 tỷ đồng (so với kế hoạch đề ra là 75.870 tỷ đồng) trong đó Công ty mẹ đạt gần 57.500 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế khoảng 647 tỷ đồng (tăng 28%).
“Mặc dù Tổng công ty phải đối mặt với không ít khó khăn kinh doanh vận tải năm 2014 do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng nhưng nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống và giải pháp điều hành chủ động, tích cực, kịp thời của các đơn vị nên đã đảm bảo an toàn, hiệu quả, tăng năng suất lao động và đảm bảo thu nhập người lao động dù cho lợi nhuận không đạt mục tiêu đã đề ra,” ông Phạm Viết Thanh cho biết.
Cổ phần hóa vượt “bão”
Năm 2015 là năm đầu tiên Tổng công ty chuyển đổi hoạt động sang mô hình Công ty cổ phần đồng thời với hàng loạt các chương trình tiếp nhận các máy bay thế hệ mới như A350, B787 để đề ra kế hoạch vận chuyển được hơn 16,7 triệu lượt khách (tăng 6,2% so với năm 2014), doanh thu Tổng công ty hợp nhất là hơn 71.160 tỷ đồng, lợi nhuận 613,5 tỷ đồng…
Cũng trong năm này, Tổng công ty sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư, tiếp tục thực hiện công tác thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp theo đúng lộ trình tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, Tổng công ty đã thoái vốn tại 10 công ty với số vốn đầu tư thực tế gần 300 tỷ đồng, hoàn thành thoái vốn toàn bộ tại 5 doanh nghiệp ngoài ngành.
Đánh giá về công tác cổ phần hóa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh cho rằng, cổ phần hóa Công ty mẹ là công việc trọng tâm trong đề án tái cơ cấu được Tổng công ty tập trung thực hiên. Cổ phần hóa một hãng hàng không chưa có tiền lệ tại Việt Nam, do vậy đã phát sinh nhiều nội dung có tính chất đặc thù. Tuy vậy, năm 2014, lộ trình thực hiện đã đạt được những kết quả khả quan.
Theo đó, Tổng công ty đã hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu trong công chúng (IPO trong nước) và bán cổ phần ưu đãi cho người lao động vào ngày 14/11/2014, đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và đến giữa tháng 12/2014 đã hoàn tất công tác bán cổ phần theo đúng quy định, phối hợp với các nhà tư vấn quốc tế triển khai các thủ tục bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
“Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sẽ được hoàn tất vào ngày 23/3/2015. Nếu không có gì thay đổi, đến ngày 31/3 tới đây, Vietnam Airlines sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và ra mắt công ty cổ phần vào cuối tháng 5/2015,” ông Phạm Viết Thanh tiết lộ.
Đưa ra các giải pháp thực hiện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm 2015, ông Thanh cho biết, Tổng công ty sẽ hạn chế thấp nhất các vụ việc uy hiếp an toàn bay, bay đúng giờ để nâng cao giờ bay bình quân cho từng đội bay, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế kỹ thuật, kế hoạch khai thác đảm bảo tiếp nhận và đưa vào khai thác đội tàu bay A350/B787 có hiệu quả, triển khai đồng bộ các khối kỹ thuật, thương mại, khai thác, dịch vụ.
Tổng công ty cũng đề nghị được bán đấu giá trọn gói toàn bộ phần vốn góp của Tổng công ty kèm theo khoản nợ theo hợp đồng nhận nợ của một số công ty với Tổng công ty.
Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng báo cáo Thủ tướng cơ chế hạch toán riêng đối với các đường bay không có khả năng sinh lời song lại có vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Các địa phương có thể tổ chức đấu thầu khai thác các đường bay đi/đến địa phương cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ để khuyến khích các doanh nghiệp hàng không đầu tư khai thác, đảm bảo lợi ích phát triển…/.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]