Trong năm qua, bức tranh xuất nhập khẩu của nước ta đang hiện hữu hai mảng sáng-tối khá rõ rệt. Mảng sáng thuộc về khối doanh nghiệp FDI, khi hàng trăm doanh nghiệp thuộc khối này dang “bơm” thêm vốn đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, mảng tối ít nhiều đang bao trùm doanh nghiệp trong nước bởi yếu về vốn, công nghệ, thị trường, không được hưởng nhiều ưu đãi như doanh nghiệp FDI... Nhìn vào con số thống kê của Tổng cục Hải quan năm qua cho thấy, doanh nghiệp Việt đang bị lấn át trên chính “sân nhà” của mình.
Những lĩnh vực DN nội “thua toàn tập”
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2013 đạt 250,93 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 125,79 tỷ USD, tăng 15,4%, xuất siêu 650 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 77,3 tỷ USD, chiếm 61,44% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, trong các con số của bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều chuyên gia kinh tế cũng phải nhận xét rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang “thua toàn tập” trên lĩnh vực xuất khẩu linh kiện điện tử, máy ảnh, dệt may... Theo đó, với máy vi tính, linh kiện và hàng điện tử, doanh nghiệp FDI đóng góp 98,2%; giày dép chiếm 77,4%, hàng dệt may chiếm 60%, máy ảnh lên tới 99,6%...
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, trong năm 2013, trong khi nền kinh tế của cả thế giới đang đối mặt với khó khăn thì Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đạt gần 22 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 54% so với năm 2012; vốn giải ngân đạt cao, lên đến 11,5 tỷ USD. Đây được xem là kết quả khá khả quan trong việc cải thiện môi trường đầu tư.
Có lẽ, nhìn từ con số trên và cả kim ngạch xuất khẩu năm 2013, nhiều người sẽ hỉ hả coi đó là một thành tích lớn. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tới 61%, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2013. Phân tích kỹ hơn, các con số trong bảng thống kê của Tổng cục Hải quan sẽ thấy một thực tế, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp trong nước trước đây như dệt may, da giầy... có kim ngạch cao đã rơi vào tay các doanh nghiệp FDI.
Tại sao chiếm thế thượng phong?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Minh Tuân, Giám đốc công ty Uvip Việt cho biết: “Rõ ràng việc các doanh nghiệp FDI có bước tăng trưởng trong năm 2013 là một kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, đó là niềm vui chưa trọn vẹn khi xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khối này. Hơn nữa, việc nước ta lệ thuộc quá lớn vào doanh nghiệp FDI cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm. Mặc dù xuất khẩu lớn, nhưng khối doanh nghiệp FDI cũng nhập khẩu nhiều. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu của họ tập trung vào nhóm hàng có tỷ lệ gia công lớn, như điện thoại, điện tử, dệt may, da giày...
Đây đều là nhóm hàng có giá trị gia tăng không cao, nên lợi ích mà Việt Nam được hưởng không nhiều. Nếu không nhanh chóng phát triển công nghiệp phụ trợ, thì Việt Nam mãi chỉ là công xưởng làm thuê cho nước ngoài. Bên cạnh đó, trong sự thắng thế của doanh nghiệp ngoài nước lại lộ rõ sự yếu kém của doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Rõ ràng, doanh nghiệp FDI đang lấn át và dần dần chiếm gần như toàn bộ các lĩnh vực mà trước đây doanh nghiệp trong nước được coi là có thế mạnh. Bên cạnh đó, theo thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp FDI mang công nghệ cao vào Việt Nam chỉ đạt 5%. Còn lại 95% vẫn là những phương thức sản xuất theo kiểu truyền thống.
Doanh nghiệp FDI vốn lớn, được ưu đãi rất nhiều về thuế nên chiếm thế thượng phong. Đây cũng là điều dễ hiểu. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra, tôi chắc chắn rằng doanh nghiệp Việt sẽ mất chỗ đứng ngay ở chính “sân nhà” của mình. Nhiều doanh nghiệp trong nước đều mong muốn rằng, những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt có lợi thế, có năng lực cạnh tranh, như dệt may, da giày, thì nên dành đất cho doanh nghiệp nội”, ông Tuân nói.
Đánh giá về ý kiến cho rằng tăng trưởng, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta đang dựa quá nhiều vào doanh nghiệp FDI, Giám đốc Nguyễn Minh Tuân cho rằng, một đất nước, việc xuất khẩu được coi là bền vững không thể dựa hoàn toàn vào doanh nghiệp ngoại. Điều cốt yếu nằm ở chất lượng, số lượng của chính nội lực doanh nghiệp Việt.
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam, sự phụ thuộc của Việt Nam vào doanh nghiệp FDI thể hiện ở chỗ, chỉ riêng xuất khẩu của các nhà máy Samsung ở Việt Nam đã chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, bằng với xuất khẩu tất cả các mặt hàng nông nghiệp cộng lại. Rõ ràng, chúng ta cần có các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, song song với đó là đẩy mạnh đầu tư trong nước mới có một nền kinh tế bền vững được.
Nhiều ưu đãi mà vẫn không lãi (?!)
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, về vấn đề này, biện pháp hay không phải là tìm cách hạn chế hoạt động của doanh nghiệp FDI, mà phải có giải pháp đồng bộ về thể chế, tài chính, tín dụng... theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhanh chóng vượt qua trạng thái trì trệ.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có chính sách khuyến khích mở rộng mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Nhiều người cho rằng, những mối lo về doanh nghiệp FDI như chuyển giá, nhập khẩu thiết bị lạc hậu... là cần phải xem xét lại nhưng đó chỉ là số ít so với 12.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Năm 2013, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả nước tính đến giữa tháng 12 ước đạt được 21,6 tỷ đô la Mỹ.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay, công tác thu hút vốn FDI của nước ta còn bộc lộ nhiều lỏng lẻo, không hợp lý. Chính vì thế, trong những năm tới, việc thu hút nguồn vốn này phải có những điều kiện một cách rõ ràng. Nghĩa là, nếu các doanh nghiệp FDI không chuyển giao công nghệ tối tân hiện đại thì không được hưởng ưu đãi. Bởi, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có được những chính sách ưu đãi về giá thuê đất, thuế, nhân công... Đây là những điều mà doanh nghiệp trong nước không có được.
Tuy nhiên, để “đáp” lại những ưu đãi đó, nhiều doanh nghiệp FDI đã thực hiện “chiêu trò” chuyển giá, báo lỗ để “né” thuế. Cuối năm 2013, Tổng cục Thuế đã thanh tra sơ bộ với khu vực doanh nghiệp FDI. Kết quả cho thấy đã có 122 doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá gây thất thu nguồn thu ngân sách Nhà nước. Đây là hành vi không thể chấp nhận được khi họ đã có nhiều ưu đãi.
Năm 2014, vốn FDI được dự báo sẽ tăng
Mặc dù theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng đầu tiên của năm 2014, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI mới và bổ sung giảm 21,9% so với năm 2013 nhưng nhiều phân tích cho thấy, thu hút FDI năm nay và năm tới có nhiều thuận lợi và sẽ tiếp tục tăng.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng do kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng tốt hơn. Bên cạnh đó, khả năng Việt Nam sẽ thu hút vốn FDI cao hơn trong năm 2014 còn do yếu tố các nhà đầu tư muốn tận dụng cơ hội từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được kỳ vọng sẽ sớm được ký kết. Theo nhiều chuyên gia, việc dự báo nguồn vốn FDI sẽ tăng trong năm nay cũng là một thách thức thực sự đối với các doanh nghiệp trong nước.
Theo Thu Huyền - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]