Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Dự báo này được Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại hội thảo “Tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014” do Viện Nghiên cứu Phát triển phối hợp với Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng Nhân dân Thành phố tổ chức vào ngày 20/6.
Theo thạc sỹ Cao Minh Nghĩa, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, một số mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn vào thị trường Trung Quốc như gạo, rau quả sẽ giảm về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu. Một số mặt hàng nhập khẩu lớn từ thị trường Trung Quốc như nguyên liệu vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi… cũng sẽ giảm.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều nhận định trong 6 tháng cuối năm, kinh tế thành phố vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt. Lý giải điều này, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong xu thế hội nhập toàn cầu, kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung phụ thuộc lẫn nhau với hàng trăm quốc gia, thành phố trên thế giới.
Từ việc một số ngành công nghiệp của Việt Nam bị lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu của một quốc gia khác, Việt Nam cần nhanh chóng hơn trong giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu trong nước, mặc dù đây là chủ trương của Chính phủ đặt ra từ lâu nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm.
Ông Vinh nhấn mạnh vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ là mục tiêu mà Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện một cách quyết liệt hơn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm và những năm tới.
Còn theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, Thành phố Hồ Chí Minh cần thể hiện rõ hơn vai trò đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này, cụ thể bằng việc đứng đầu, xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất quy mô theo vùng chứ không chỉ liên kết hợp tác song phương với từng tỉnh thành trong và ngoài nước như hiện nay.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, có 4 giải pháp chính nhằm ổn định tình hình kinh tế trên địa bàn thành phố trong 6 tháng cuối năm 2014, cụ thể là: Nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo, rau quả và thị trường nhập khẩu nguyên liệu vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày… sang thị trường các nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Myanmar, Indonesia nhằm đa dạng hóa thị trưởng, thoát khỏi sự phụ thuộc từ thị trường Trung Quốc; nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm nguyên phụ liệu dệt may-da giày; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị cải tiến kỹ thuật, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp thuộc 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố; tiếp tục thực hiện các chương trình đã mang lại hiệu quả tốt như chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường…
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục duy trì nguồn lực, tập trung thực hiện thành công 6 chương trình đột phá (giảm ùn tắc, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm, phát triển nguồn nhân lực, tập trung cải cách hành chính và chuyển dịch cơ cấu kinh tế). Những giải pháp này sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng bền vững trong 6 tháng cuối năm 2014 và những năm tới.
Trong 6 tháng đầu năm, GDP Thành phố Hồ Chí Minh đạt 378.915 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 9,6% so với cùng kỳ, chiếm 59,4% tổng GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,4% so với cùng kỳ, chiếm 39,8% GDP; khu vực nông nghiệp tăng 6% so với cùng kỳ, chiếm 0,9% GDP./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]