Theo thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 3 tháng đầu năm, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với cùng kỳ 2013.
Bảo hiểm xe cơ giới vẫn tiếp tục dẫn đầu với doanh thu đạt 1.950 tỷ đồng, tăng trưởng 7,7%, số tiền bồi thường 700 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 854 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 79%. Riêng mảng bảo hiểm này chiếm 29,5% doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ 3 tháng đầu năm.
Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt doanh thu 612 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên đây lại là mảng hoạt động có tỷ lệ bồi thường cao nhất, lên tới 127%. Số tiền giải quyết bồi thường trong hoạt động này đạt 148 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 443 tỷ đồng.
Những "ông lớn" quen thuộc
PVI giành ngôi dẫn đầu về doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ từ Bảo Việt với thị phần đạt 22,33%, Bảo Việt đứng thứ 2 với 21,5%. Nhìn chung Top 5 doanh nghiệp đứng đầu thị phần bảo hiểm phi nhân thọ không có nhiều thay đổi với những tên tuổi như PVI, Bảo Việt, Bảo Minh (BMI), Pjico (PGI), PTI. Cơ cấu doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ 3 tháng 2014 như sau:
Tình hình nhượng tái bảo hiểm
Con số được các chuyên gia đánh giá thực chất tình hình hoạt động bảo hiểm của các doanh nghiệp trong nước không phải là doanh thu phí bảo hiểm gốc mà là Phí bảo hiểm thực thu, được tính sau khi lấy phí bảo hiểm gốc cộng/trừ doanh thu nhận/nhượng tái bảo hiểm. Độ lớn của phí bảo hiểm thực thu mới đánh giá sát sao tình hình thu phí bảo hiểm của từng doanh nghiệp.
Trên tổng số 6.600 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc, sau khi nhượng tái bảo hiểm trong và ngoài nước, phí bảo hiểm thực thu của các doanh nghiệp trong quý 1 vừa qua chỉ còn 4.592 tỷ đồng, tương đương 70% phí bảo hiểm gốc.
Căn cứ vào đó, vị trí các doanh nghiệp bảo hiểm cũng thay đổi ít nhiều với sự bứt phá ngoạn mục của Bảo Việt. Cụ thể, với doanh thu phí bảo hiểm gốc 1.423 tỷ đồng, sau khi nhận và nhượng tái bảo hiểm, Bảo Việt có phí bảo hiểm thực nhận đạt 1.155 tỷ đồng. Trong khi đó, mặc dù nhỉnh hơn về phí bảo hiểm gốc (đạt 1.478 tỷ đồng), PVI chỉ đạt 758 tỷ đồng phí bảo hiểm thực thu. Bảo Việt lại đứng đầu thị trường với 25,2% thị phần phí bảo hiểm thực thu, PVI về nhì với thị phần 16,5%.
Quý 2 và ẩn số tháng 5
Sự kiện tháng 5 vừa qua xảy ra tại các khu công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương và Hà Tĩnh không chỉ gây bất ổn kinh tế, ảnh hưởng môi trường kinh doanh, mà còn là một gánh nặng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có khách hàng chịu thiệt hại trong sự kiện vừa qua.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết trong số các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bị thiệt hại có không ít khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam. Theo kê khai ban đầu của khách hàng tham gia bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm được ký với 27/29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ với số tiền tổn thất ước tính 2.500 tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ. Cũng cần lưu ý, tổng chi phí bảo hiểm mảng phi nhân thọ toàn thị trường quý 1 vừa qua cũng chỉ ở mức 2.200 tỷ đồng.
Đương nhiên, ảnh hưởng của vụ việc là không như nhau đến các doanh nghiệp bảo hiểm. Các doanh nghiệp có khách hàng là các doanh nghiệp Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan...có thể sẽ chịu tổn thất nặng nề nhất. Ngoài ra, việc bồi thường thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm được quy định trong từng hợp đồng bảo hiểm đã ký.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]