Ảnh minh họa. (Nguồn: en.wikipedia.org)
Việc đóng cửa này được xem như một nỗ lực của Berlin nhằm đạt được mục tiêu chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng.
Các công ty năng lượng sẽ bị yêu cầu cắt giảm ít nhất 22 triệu tấn khí thải carbon vào năm 2020. Khoảng 50 nhà máy nhiệt điện đã đăng ký ngừng hoạt động sẽ không được tính đến, như vậy sẽ có thêm tám nhà máy nhiệt điện chạy than có thể phải đóng cửa.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020, so với mức của năm 1990. Tuy nhiên, Bộ Môi trường Đức cảnh báo nước này có thể đạt thấp hơn mục tiêu trên khoảng 5-8 điểm phần trăm.
Mặc dù nguồn năng lượng xanh chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện của Đức, nhưng các nhà bảo vệ môi trường vẫn chỉ trích Đức "dựa dẫm" nhiều vào các nhà máy nhiệt điện chạy than - vốn cung cấp khoảng hơn một nửa sản lượng cho lưới điện quốc gia năm 2013.
Nếu dự luật trên được thông qua, trách nhiệm sẽ được chia đều cho các công ty điện lực, trong đó có các "ông lớn" như RWE, E.ON và Vattebfakk.
Theo nguồn tin trong ngành, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel sẽ gặp lãnh đạo các công ty năng lượng ở Berlin nhằm bàn thảo về các kế hoạch trên. Các nhà sản xuất điện tư nhân Đức muốn nhận được tiền bồi thường từ chính phủ nếu quy định mới buộc họ phải đóng cửa nhà máy.
Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel muốn nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên khoảng 40-45% sản lượng điện vào năm 2025 và 55-60% sản lượng điện vào năm 2035. Các chuyên gia đánh giá đây là một kế hoạch đầy tham vọng đối với một nước công nghiệp.
Trong một thông tin có liên quan, tháng 10 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết giảm ít nhất 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]