Theo thông tin Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đưa ra tại cuộc họp về tái cơ cấu DN này hôm 13/8, tính đến ngày 7/8/2014, đơn vị tư vấn xác định giá trị DN của Vinalines là Liên danh AVA - ATC đã hoàn thành tổng hợp thống kê, phân loại tài sản, dự án... của các đơn vị hạch toán phụ thuộc, văn phòng công ty mẹ, các khoản đầu tư của công ty mẹ và các công ty con thuộc đối tượng phải xác định giá trị DN tại Vinalines.
Tổng công ty này cũng đã hoàn thiện phương án sử dụng đất và gửi đến các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Hậu Giang) để xin ý kiến chấp thuận. Hiện nay, Tổng công ty đã phân công cán bộ đến từng địa phương để phối hợp giải trình, sớm có văn bản thỏa thuận.
Tuy nhiên, một số vướng mắc được xác định gồm: việc thanh lý tài sản sau thời điểm xác định giá trị DN; thanh lý tài sản là tàu biển nằm trong kế hoạch bán thanh lý, dừng một số dự án đóng mới tàu biển; định giá lại giá trị DN của Công ty Vận tải Biển Đông (BISCO) để đưa vào giá trị DN công ty mẹ phục vụ cổ phần hóa; định giá các DN đã có chủ trương phá sản và đang xin thực hiện phá sản; xử lý tài sản không cần dùng khi cổ phần hóa công ty mẹ và các DN thành viên; sử dụng kết quả xác định giá trị DN của các công ty con khi xác định giá trị DN công ty mẹ để cổ phần hóa.
Vinalines cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, DN cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Vinalines đề xuất, đối với các DN chuyển giao từ Vinashin trước đây (nay là SBIC), Chính phủ có cơ chế về cơ cấu khoản nợ hơn 3.000 tỷ đồng tại các TCTD trong nước của BISCO theo hướng giao Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) phát hành trái phiếu chuyển đổi với tỷ lệ hoán đổi 30:70; sớm hướng dẫn các DN chuyển giao được hưởng các điều kiện, cơ chế nhận nợ đối với các khoản nợ có nguồn gốc từ khoản vay quốc tế 600 triệu USD và 750 triệu USD mà SBIC và VFC (Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy - PV) đang được hưởng từ Bộ Tài chính.
Về phía Bộ Giao thông - Vận tải, Vinalines đề xuất cần có quyết định về việc dừng chuyển giao Dự án đóng tàu 6.800 DWT của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang theo thể thức nguyên trạng để đảm bảo tính pháp lý cho việc chuyển giao (2 DN Vinalines Hậu Giang và CTCP Công nghiệp tàu thủy và Vận tải Cần Thơ - Cashin đã tổ chức ký biên bản bàn giao tháng 7/2014).
Đồng thời, Bộ hỗ trợ báo cáo Thủ tướng về tiền Quỹ hỗ trợ cho 4 DN vay trả nợ tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp phát sinh trong năm 2013 để các DN này chốt sổ bảo hiểm xã hội, hoàn tất hồ sơ vay trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm và giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ việc.
Đối với Cảng Năm Căn, Vinalines cho biết đang chỉ đạo DN thực hiện công tác cổ phần hóa theo đúng kế hoạch đã đề ra. Quá trình xác định giá trị DN để cổ phần hóa hiện đang được thực hiện và không gặp nhiều vướng mắc.
Khẳng định Cảng Năm Căn đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và thị trường hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên Vinalines cho rằng DN này vẫn có cơ hội khai thác dịch vụ vận chuyển, tập kết đối với nguồn vật liệu thi công các dự án của Ban quản lý dự án Hồ Chí Minh, nên cần có sự ủng hộ về tài chính để Cảng Năm Căn có thể khai thác thị trường này nhằm khắc phục khó khăn, hoàn thành việc tái cơ cấu và cổ phần hóa DN.
Đối với cổ phần hóa công ty mẹ, do thời điểm có quyết định thực hiện cổ phần hóa của công ty mẹ và 5 DN là các cảng Sài Gòn, Cam Ranh, Cần Thơ, Năm Căn, Nghệ Tĩnh có sau thời điểm xác định giá trị DN nên phát sinh vấn đề: Một số tài sản tại thời điểm kiểm kê (31/12/2013) còn tồn tại, nhưng DN đã thực hiện việc thanh lý tài sản theo quy định trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, việc định giá theo nguyên tắc không loại trừ những tài sản này khi định giá và giá trị của tài sản xác định lại là giá trị phần thu từ thanh lý tài sản.
Thông tin đáng quan tâm là hiện Vinalines có một số tài sản là tàu biển đang được các ngân hàng cho vay xem xét đề xuất bán. Trong trường hợp đến thời điểm công bố giá trị DN mà các tài sản này đã được các ngân hàng thống nhất việc bán để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Vinalines đề nghị được ghi nhận giá trị tài sản tại thời điểm xác định giá trị DN để cổ phần hóa theo giá trị phần thu từ thanh lý tài sản, đồng thời có hướng dẫn xử lý lỗ từ việc bán tài sản.
Ngoài ra, với khoản đầu tư dài hạn tại BISCO, trong kết quả xác định giá trị DN của công ty mẹ nếu giá trị đánh giá lại tài sản giảm nhiều so với giá trị trên sổ sách kế toán và giá trị phần vốn Nhà nước tại BISCO khi định giá lại tại thời điểm ngày 31/12/2013 là âm thì cũng là vấn đề cần phải dứt điểm.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]