Eximbank thay 8 Phó tổng giám đốc
Mới đây, ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank - mã EIB) đã công bố thông tin miễn nhiệm cùng lúc 8 Phó tổng giám đốc gây xôn xao thị trường.
Từ con số 15 thành viên trong Ban Tổng giám đốc giảm xuống còn 7 thành viên, trong đó có một Phó tổng giám đốc mới bổ nhiệm là ông Võ Quang Hiển, người được cất nhắc từ vị trí Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn của ngân hàng này.
05 thành viên nguyên là Phó tổng giám đốc được điều chuyển sang vị trí mới là Giám đốc cấp cao; 04 thành viên bị miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc, gồm: Nguyễn Quốc Hương, Lê Hải Lâm, Bùi Đỗ Bích Vân, Nguyễn Quang Triết được chấp thuận cho nghỉ việc theo nguyện vọng.
Theo Eximbank, việc tái sắp xếp này là một phần của các khởi xướng chiến lược trung và dài hạn của Ngân hàng thuộc dự án “Eximbank Mới”.
Như vậy, Ban Quản trị của Eximbank chưa có sự thay đổi với 09 thành viên hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Lê Minh Quốc.
09 thành viên HĐQT đương nhiệm của Eximbank - Nguồn: Eximbank.
Thị trường đang phán đoán với 2 vị trí Phó tổng giám đốc người Nhật trong Ban Tổng giám đốc bị điều chuyển là ông Masashi Mochizuki và ông Yutaka Moriwaki có khả năng vốn góp của đối tác chiến lược Nhật có thay đổi?
Sự chuyển biến nhân sự cấp cao của Eximbank đã được dự đoán khi đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 đã được tổ chức thành công sau 03 lần thất bại trước đó vì mâu thuẫn cổ đông lớn nội bộ.
“Sóng ngầm” nhân sự tại Eximbank đã nổi lên khi 53,6 triệu cổ phần, tương ứng với 4,3% vốn điều lệ Eximbank, tổng giá trị giao dịch là 686 tỷ đồng được sang tay chỉ trong phiên giao dịch chiều 08/6/2017.
NCB từng trống “ghế nóng”, thay nhiều Phó tổng
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - mã NVB) cũng là ngân hàng khó kiện toàn về nhân sự cấp cao từ khi đổi chủ năm 2012.
NCB cũng đã thay nhiều Phó tổng giám đốc sau khi lần lượt miễn nhiệm hàng loạt nhân sự cấp cao do Ban điều hành cũ để lại. NCB lấy nhân sự từ ABBank, MaritimeBank, TPBank, SCB… nhưng rồi những nhân sự này cũng không trụ lại được.
Vị trí Tổng giám đốc bị để trống tới khi NCB công bố ông Đặng Quang Minh là Quyền Tổng giám đốc tháng 5/2013. Đến tháng 2/2014, NCB chính thức bổ nhiệm bà Trần Hải Anh làm Tổng giám đốc.
Đến tháng 11/2015, NCB bổ nhiệm ông Đào Trọng Khanh làm Tổng giám đốc và NCB cũng miễn nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc đối với ông Đặng Quang Minh. Ông Đặng Quang Minh từng là Tổng giám đốc ABBank.
Tuy nhiên, ông Đào Trọng Khanh cũng chỉ giữ vị trí “ghế nóng” 9 tháng và bị miễn nhiệm vào tháng 9/2016. Trước khi về NCB, ông Khanh từng là phó chủ tịch thường trực HĐQT của Maritime Bank và từng giữ vị trí Tổng giám đốc của TPBank.
Ghế nóng của NCB để trống từ tháng 9/2016 đến ngày 2/8/2017, NCB mới cất nhắc Phó tổng giám đốc Lê Hồng Phương vào vị trí Quyền Tổng giám đốc.
Ông Lê Hồng Phương từng làm việc tại VietinBank, LienVietPostBank và về NCB với vị trí Phó tổng giám đốc năm 2015.
Có tổng giám đốc, NCB cũng miễn nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc khu vực miền Nam đối với ông Tạ Ngọc Đa. Trước khi về NCB, ông Đa là Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành của Maritime Bank và từng công tác tại VIB.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NVB gần đây cũng nổi sóng với những giao dịch hàng triệu cổ phần. Cụ thể, trong phiên ngày 3/8 đã có 13 triệu cổ phần được giao dịch, tương đương với 4,3% vốn điều lệ của ngân hàng này, giá trị giao dịch khoảng 104 tỷ đồng.
Hiện NVB với vốn điều lệ 3.010 tỷ đồng và mức vốn tối thiểu theo quy định và chưa có sự tăng vốn điều lệ từ năm 2012 đến nay.
Sacombank “thay máu” hàng loạt vị trí chủ chốt
Nóng nhất từ đầu năm 2017 đến nay có lẽ là nhân sự ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB) sau khi đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 tổ chức thành công ngày 30/6.
Ngay sau khi có tân tịch Hội đồng quản trị là ông Dương Công Minh, vị trí Tổng giám đốc của ngân hàng này là ông Phan Huy Khang cũng được thay thế bởi bà Nguyễn Đức Thạch Diễm kể từ ngày 3/7.
Hội đồng quản trị Sacombank miễn nhiệm chức vụ phó Tổng giám đốc thường trực và chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nguyễn Văn Nhân; Thôi chức phó Tổng giám đốc với bà Dương Hoàng Quỳnh Như từ ngày 25/7 và điều chuyển sang làm phó giám đốc vận hành.
Bên cạnh đó, Saccombank cũng “thay máu” thêm hàng loạt lãnh đạo cấp cao tại Sacombank Lào, Campuchia và Công ty Kiều hối Sacombank (SBR).
Tại Sacombank Campuchia, chức danh Chủ tịch HĐQT được trao cho ông Trịnh Văn Tỷ thay thế ông Trầm Bê từ ngày 2/8. Miễn nhiệm ông Diệp Tấn Dũng khỏi vị trí Phó Chủ tịch HĐQT. Miễn nhiệm chức danh lãnh đạo đối với ông Nguyễn Bá Trị, ông Lê Minh Trung, bà Thạch Thị Pho Ly.
Tại Sacombank Lào, 5/7 thành viên HĐQT bị miễn nhiệm gồm: ông Nguyễn Gia Định, chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT, và 3 thành viên là ông See Chin Thye, ông Trần Quang Khang và ông Phạm Quang Phú (kiêm tổng giám đốc) kể từ ngày 2/8.
Nhân sự thay thế là: ông Nguyễn Ngọc Tuấn được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Trịnh Văn Tỷ và ông Nguyễn Thúc Vinh được bổ nhiệm vị trí Phó chủ tịch.
Ông Phạm Quang Phú tái bổ nhiệm làm thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc và bà Oulayphoen Songeun làm thành viên HĐQT kiêm phó Tổng giám đốc.
Tại công ty kiều hối Sacombank (SBR), bổ nhiệm tân Chủ tịch HĐQT là ông Phan Quốc Huỳnh thay thế ông Lê Minh Tâm.Vẫn giữ ông Lê Minh Tâm làm Tổng giám đốc SBR từ ngày 3/8.
Theo ghi nhận, hầu hết các nhân sự bị miễn nhiệm của Sacombank đều liên quan đến ngân hàng TMCP Phương Nam cũ.
Có thể thấy biến động nhân sự của những ngân hàng này thông qua thị trường chứng khoán, khi gần đây Sacombank nổi sóng cổ phiếu với hàng triệu cổ phiếu được giao dịch cả trên sàn lẫn thỏa thuận, giá trị giao dịch trao tay lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đánh dấu phiên giao dịch trên sàn của cổ phiếu STB khủng nhất trong năm 2016 là ngày 16/12/2016, gần 21 triệu cổ phiếu STB được sang tay. Giá giao dịch khoảng 8.000 đồng/cổ phần, đã có gần 170 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, với thanh khoản tốt nhất trong các cổ phiếu ngân hàng trên sàn, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên khoảng 2,6 triệu đơn vị, ước tính tổng giá trị giao dịch của cổ phiếu STB lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng (chưa kể giao dịch thỏa thuận). Chỉ tính riêng những phiên giao dịch trên 10 triệu cổ phiếu đã có 12 phiên với tổng giá trị giao dịch ước tính khoảng gần 2.000 tỷ đồng.
Nhân sự cấp cao ngân hàng vẫn "nóng", theo lời một lãnh đạo của ngân hàng, đây cũng chỉ là quy luật của thị trường lao động mà thôi. Nhưng qua đây cũng cho thấy sự khắc nghiệt đầy cám dỗ của nghề CEO ngân hàng và con đường muôn dặm gập ghềnh khi “thuyền lớn sóng lớn”.