Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm
Các khoản nợ tiền chậm nộp thuế và lãi phát sinh của tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp trước ngày 1-1-2014 của doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính sẽ được xóa, nếu được Chính phủ chấp thuận và Quốc hội thông qua.
Đây là một trong những giải pháp dự kiến được Bộ Tài chính trình Chính phủ về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp (DN).
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-7, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết số tiền chậm nộp thuế và lãi phát sinh của tiền chậm nộp thuế từ cuối năm 2013 trở về trước nếu được xóa nợ ước khoảng 6.537 tỉ đồng.
Xóa nợ, gỡ khó cho doanh nghiệp
Việc xóa nợ cho DN là hợp lý bởi DN đã quá khó khăn về tài chính, không có đủ khả năng nộp tiền nợ gốc thì buộc họ nộp các khoản tiền phạt chậm nộp, lãi tiền chậm nộp cũng khó. Hơn nữa, tiền phạt chậm nộp lúc đó là quá cao, với 0,05%/ngày, tương đương với mức 18%/năm. Tuy nhiên, việc xóa nợ khoản tiền nói trên thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Quốc hội nội dung này.
Ông ĐỖ HOÀNG ANH TUẤN (thứ trưởng Bộ Tài chính)
Trong dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính khẳng định trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều người nộp thuế đã rất nỗ lực để nộp tiền thuế phát sinh, khó có khả năng nộp tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, nhất là trong trường hợp DN gặp khó khăn bất khả kháng.
“Có những trường hợp tiền phạt chậm nộp lớn hơn tiền thuế, nếu không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế”.
Cũng trong dự thảo, Bộ Tài chính cho biết do tác động của khủng hoảng kinh tế, nền kinh tế nước ta và DN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, trong đó chịu ảnh hưởng lớn là khu vực DN nhỏ và vừa, DN ngoài nhà nước, chiếm đến 96% tổng số DN đang hoạt động.
Trong năm tháng đầu năm 2014, số lượng DN ngưng kinh doanh là 50.263 trường hợp, giải thể là 18.271 trường hợp. Thực tế này khiến tình trạng nợ đọng thuế từ năm 2011 đến nay có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Cụ thể, tỉ trọng nợ thuế trên tổng số thuế thực thu của năm 2011 là 6,3% nhưng năm 2012 tỉ trọng này đã tăng lên 8,1%. Tính đến cuối năm 2013, tiền phạt chậm nộp tiền thuế phát sinh trước nửa đầu năm 2013 là 9.746 tỉ đồng, chiếm 15% tổng số nợ thuế.
Riêng số tiền phạt chậm nộp từ nợ khó thu là 1.134 tỉ đồng, nợ dưới 90 ngày là 1.770 tỉ đồng, nợ trên 90 ngày là 6.537 tỉ đồng, chiếm 67% tổng số nợ phạt chậm nộp. Các địa phương có số tiền phạt chậm nộp nợ đọng lớn như Hà Nội 3.006 tỉ đồng, TP.HCM 3.147 tỉ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết từ năm 2009 đến nay, số tiền phạt chậm nộp liên tục tăng lên, bình quân mỗi năm tăng 2.000 tỉ đồng.
Khả năng trong thời gian tới, số tiền chậm nộp sẽ tăng nhanh hơn vì theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, mức tính tiền chậm nộp của các khoản nợ thuế trên 90 ngày tăng thêm 0,02% mỗi ngày, từ 0,05% lên 0,07%/ngày (25,5%/năm).
Trong số tiền phạt chậm nộp nêu trên, số tiền phạt chậm nộp của các DN ngoài quốc doanh là 5.119 tỉ đồng, chiếm 62% tổng số tiền phạt chậm nộp.
Miễn giảm, gia hạn một loạt sắc thuế
Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ miễn, giảm và gia hạn một loạt sắc thuế để tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo đó, xem xét miễn thuế hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong bốn năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới và thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp, trừ các khu công nghiệp nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi như Hà Nội, TP.HCM...
Ngoài ra, cần gia hạn tối đa là hai tháng thay vì phải nộp ngay số tiền thuế giá trị gia tăng của máy móc, thiết bị nhập khẩu nhằm tạo tài sản cố định của dự án đầu tư mà giá trị nhập khẩu từ 100 tỉ đồng trở lên.
Bộ Tài chính cho rằng sẽ chỉ đạo cơ quan thuế hoàn thuế trước kiểm tra sau chậm nhất là năm ngày kể từ ngày DN nộp thuế và có văn bản đề nghị hoàn thuế.
Riêng thuế thu nhập DN, Bộ Tài chính đề xuất xem xét miễn đối với phần thu nhập từ đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản và tàu hậu cần phục vụ khai thác hải sản loại có tổng công suất máy chính từ 380 mã lực trở lên.
Đồng thời, bổ sung quy định cho phép DN được trừ vào chi phí tính thuế thu nhập DN đối với khoản chi phúc lợi cho người lao động nếu có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
Để góp phần thu hút đầu tư trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đặc biệt là luồng vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đang chuyển dịch vào Việt Nam, Bộ Tài chính đề nghị cho phép bổ sung dự án có quy mô đầu tư tối thiểu là 6.000 tỉ đồng và công nghệ cao được kéo dài hưởng thuế suất thuế thu nhập DN 10% tối đa 30 năm thay vì chỉ 15 năm như quy định hiện hành.
Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ quy định việc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với các khoản chi phúc lợi cho nhân viên có ghi đích danh nhân viên như: chi dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí mà các khoản này là thực tế phát sinh và DN có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định, người lao động trực tiếp được hưởng dịch vụ phúc lợi này, không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]