Sau khi lãnh đạo ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn Thương Tín - Sacombank xác nhận đang hoàn tất đề án sáp nhập với ngân hàng TMCP Phương Nam - Southern Bank để trình ngân hàng Nhà nước và xin ý kiến Đại hội cổ đông trong kỳ họp vào 25/3/2014 xem xét về mặt chủ trương trước khi tiến hành sáp nhập. Đề án đưa ra thì việc sáp nhập sẽ chỉ còn là thời gian.
So sánh Sacombank và Southern Bank
Nếu đặt lên bàn cân để so sánh thì Sacombank một trong các ngân hàng cổ phần hoạt động hiệu quả nhất, có tổng tài sản gấp đôi, vốn gấp 3, lợi nhuận gấp 7 lần Southern Bank.
Trong khi Sacombank có vốn điều lệ 12.425 tỷ đồng, nằm trong nhóm các ngân hàng lớn trong nước thì Southern Bank hoạt động với quy mô quá nhỏ, ít người biết đến, hiện số vốn điều lệ của ngân hàng này mới đạt 4.000 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh của Southermbank trong mấy năm qua đều rất thấp. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2013, mới lãi ròng 226,5 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2013, tổng tiền gửi của khách hàng tại Southern Bank là 66.545 tỷ đồng, tuy nhiên, số tiền cho khách hàng vay chỉ có 43.367 tỷ đồng. Phần tài sản còn lại chủ yếu nằm trong khoản phải thu là 24.995 tỷ đồng.
Điều đáng nói ngân hàng vẫn chưa trích lập bất kỳ một khoản tiền nào cho khoản phải thu khổng lồ này. Báo cáo tài chính gần nhất cho thấy tỷ lệ nợ xấu của Southermbank là 3,8%, tăng 25% so với cuối năm 2012.
Phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), thương vụ mua bán và sáp nhập này sẽ tăng thêm gánh nặng nợ xấu lên Sacombank và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng do việc kinh doanh của Southernbank thời gian gần đây có diễn biến không tốt.
Như vậy có thể khẳng định, Southern Bank là một ngân hàng đang rơi vào tình trạng ốm yếu so với Sacombank.
Bên nào hưởng lợi?
Nếu kịch bản sáp nhập được thực hiện thành công, Sacombank mới sẽ có vốn điều lệ gần 16.500 tỷ đồng, với tổng tài sản khoảng 240.000 tỷ đồng, cùng với mạng lưới giao dịch, chi nhánh tăng lên. Quy mô ngân hàng Sacombank mới cũng chỉ đứng sau 4 ngân hàng quốc doanh hiện nay.
Nhưng việc sáp nhập này lại khiến các nhà đầu tư tài chính băn khoăn, trong khi Sacombank đang là ngân hàng bán lẻ hoạt động hiệu quả, còn Southernbank đang đối mặt với tỷ lê nợ xấu đang có xu hướng gia tăng và những khoản phải thu với con số khổng lồ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khi trả lời trên báo Trí thức trẻ cho biết: “Nếu Southernbank có nhiều nợ xấu, theo nguyên tắc, sau sáp nhập, Sacombank sẽ tăng thêm gánh nặng lớn về nợ xấu, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nhưng điều đó chưa hẳn sẽ bất lợi cho Sacombank vì ngoài nợ xấu, Sacombank còn sở hữu những lợi ích như thị phần, nhân lực, quan hệ khách hàng của Southernbank. Cụ thể như số cơ sở, chi nhánh, phòng giao dịch, Sacombank từ 416 sẽ được cộng thêm 142 cơ sở cũ của Southernbank, việc sáp nhập sẽ có lợi cho 2 cả hai ngân hàng”.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, sáp nhập ngân hàng lớn được lợi vì thị trường mở rộng, nguồn nhân lực tăng, quan hệ khách hàng phát triển, ngân hàng nhỏ bị thâu tóm sẽ giải quyết được vấn đề về vốn, thị phần và nợ xấu.
Đồng thời, việc sáp nhập cũng giải pháp tốt cho các ngân hàng trong tương lai. Sáp nhập sẽ tạo ra vốn chủ sở hữu lớn hơn, thị phần lớn hơn, dịch vụ đa dạng hơn, lượng khách hàng lớn hơn, nhân sự tổng hợp của hai ngân hàng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh hơn. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trong đang được khuyến khích trong việc đẩy mạnh tái cấu trúc ngân hàng.
Theo Anh Sa (T.H) - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]