"Thế hệ 8X chúng tôi, chai sá xị Chương Dương quý lắm. Chúng tôi quen gọi đó là nước ngọt con cọp. Nhà nào có đám giỗ, đám tiệc quý mới có để dùng", chị Uyên, chủ một hàng nước giải khát ở đường Nam Hòa, (quận 9, TP.HCM) nhớ câu chuyện đã 30 năm trước, những ngày đất nước mới mở cửa.
Khi các thương hiệu đa quốc gia vào Việt Nam và cùng với sự ra đời của nhiều thương hiệu nội khác, Chương Dương bị cạnh tranh gay gắt và dần mất thị phần.
Nhìn thấy những nhược điểm của mình trong sân chơi mới, nhưng việc khắc phục điểm yếu không phải dễ dàng với những người chèo lái thương hiệu này.
Một thời phủ khắp miền Nam
Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I (Pháp), được xây dựng năm 1952. Trước năm 1975, đây là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam.
Giữa năm 1977, Tập đoàn B.G.I chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho Nhà nước với tên gọi Nhà máy nước ngọt Chương Dương.
Đến năm 1993, nước ngọt Chương Dương chuyển đổi thành Công ty nước giải khát Chương Dương.
Sá xị Chương Dương từng phủ khắp miền Nam. |
Chương Dương chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2004, với đơn vị mẹ là Xí nghiệp liên hiệp rượu bia nước giải khát 2, nay là Tổng Công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Công ty niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM năm 2006.
“Ngày xưa, sá xị con cọp (tên thân thuộc của sá xị Chương Dương, vì có hình con cọp lớn in trên chai nước) rất nổi tiếng tại miền Nam, cạnh tranh trực diện với sá xị con nai của Công ty nước ngọt Phương Toàn”, ông Võ Văn Thọ, Tổng giám đốc Chương Dương, nhớ lại.
Nhờ hương vị sá xị đặc trưng riêng, sản phẩm sá xị của Chương Dương được người dân đón nhận nhiệt tình, trở thành sản phẩm không thể thiếu trong các dịp quan trọng của hầu hết gia đình miền Nam.
“Đó là thời kỳ vàng son của sá xị Chương Dương”, ông Thọ nói.
Khi Coca-Cola và Pepsi lần lượt vào Việt Nam, rồi nhiều thương hiệu nước ngọt trong và ngoài nước cũng xuất hiện đã khiến cuộc cạnh tranh gay gắt. Thị phần một thời "ông hoàng sá xị" thống trị dần vào tay các doanh nghiệp khác.
Sống nhờ người già
Theo công bố của nhiều hãng nghiên cứu thị trường, ngành nước giải khát Việt Nam vẫn tăng trưởng cao với mức bình quân từ 8-12% một năm. Cũng vì vậy mà nguồn vốn từ doanh nghiệp ngoại tiếp tục chảy mạnh vào, gia tăng áp lực cạnh tranh lên các doanh nghiệp trong nước.
“Chương Dương buộc phải cạnh tranh sòng phẳng với những tập đoàn lớn có lịch sử lâu đời, có tài chính mạnh được hỗ trợ từ công ty mẹ. Chúng tôi phải dựa vào sản phẩm truyền thống đã ăn vào lòng người để cạnh tranh, chứ không dám đương đầu làm sản phẩm mới.
Sá xị là sản phẩm chủ lực để cạnh tranh với các thương hiệu ngoại. Bởi ngay cả Coca-Cola cũng chuộng sá xị Chương Dương vì hương vị đặc trưng riêng”, ông Thọ cho hay.
Tuy nhiên, Chương Dương buộc phải dạt về những thị trường nông thôn, những miền xa xôi hẻo lánh hơn của khu vực miền Tây và miền Đông Nam Bộ.
“Chúng tôi xác định rõ con đường đi của mình: một là không đối đầu trực tiếp, hai là đánh nhỏ, đánh lẻ để khơi dậy niềm yêu thích từ lớp người già truyền lại cho con cháu”, ông Thọ nói.
Ông cho biết doanh nghiệp tận dụng tâm lý người già tại các đám giỗ ở quê hay TP.HCM trân quý chai sá xị hơn thùng Coca-Cola, để phát triển kênh phân phối.
Và khi các thương hiệu ngoại luôn nắm bắt xu hướng, tập trung chủ yếu vào đối tượng trẻ, những người luôn thay đổi và dễ thích nghi với cái mới, thì suốt thời gian dài, Chương Dương chủ trương đánh vào lòng trung thành của người già, những người gắn bó với sá xị Chương Dương từ thuở bé.
Trong khi các thương hiệu đa quốc gia chọn quảng cáo truyền hình tại các khung giờ vàng để tiếp thị thì Chương Dương phải quảng cáo với hình thức truyền miệng.
Trong suốt nhiều năm liền, mặc dù nhận thức được vai trò của marketing, tổng chi phí cho quảng bá của "ông hoàng sá xị" một thời cũng chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng doanh thu, năm nào cao điểm cũng chỉ chiếm khoảng 5%.
Đầu năm 2017, Chương Dương cho triển khai quảng cáo trên taxi, vì theo đánh giá của hãng, loại hình này ít tốn kém hơn so với các loại hình quảng cáo khác trong khi hiệu quả nhắc nhở thương hiệu là có. Tuy nhiên, với việc quảng cáo trên vài trăm xe chạy quanh thành phố, hiệu quả như muối bỏ bể.
“Thấy rõ ràng phải làm marketing mới thắng nhưng sau khi đưa chi phí marketing vào thì giá thành sản phẩm bị đội lên. Nếu đối đầu trực tiếp với các đối thủ khác thì mình không đủ khả năng. Làm gì thì làm cũng phải bám chắc quy định của Nhà nước và thực hiện đúng theo pháp quy của Nhà nước”, ông Thọ tâm sự về thế khó của hãng.
Hiện Chương Dương mở cửa cho tất cả điểm bán lẻ và tổ chức đội ngũ bán hàng đến từng điểm phân phối nhỏ lẻ, với hệ thống phân phối cấp 1, cấp 2, cấp 3, thay vì áp dụng chính sách phân phối độc quyền như trước. Cũng nhờ vậy mà riêng tại TP.HCM, đơn vị này có 1.000 điểm bán và mỗi tỉnh thành phía Nam đều có ít nhất 2 nhà phân phối lớn.
Dù đã thay đổi nhiều để thích ứng với cạnh tranh mới, Chương Dương vẫn tỏ ra lúng túng khi đứng trước những chính sách bán hàng thay đổi linh hoạt của đối thủ. Năm 2016, công ty phải giảm giá bán 4,5% để cạnh tranh, kéo theo doanh thu chỉ hoàn thành 89% kế hoạch đề ra.
'Không chết nhưng sống không phát triển nhiều'
6 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên kể từ hơn 10 năm niêm yết trên sàn chứng khoán, Chương Dương ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ 3,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 14 tỷ.
Doanh thu bán hàng đạt 153 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này cũng giảm 24 tỷ so với báo cáo tài chính tự lập trước đó.
Ông Thọ cho rằng con số lỗ này là lỗ kỹ thuật. “Thực tế doanh số chúng tôi vẫn tăng và điều này không ảnh hưởng đến chỉ tiêu kinh doanh đã đặt ra đầu năm”.
Năm nay, Chương Dương đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 494 tỷ đồng và 38 tỷ đồng, trên cơ sở tổng sản lượng tiêu thụ đạt 38,8 triệu lít. Ông Thọ khẳng định kết quả kinh doanh này sẽ hoàn thành.
“Một doanh nghiệp Nhà nước chết thì không chết, nhưng sống thì không phát triển nhiều. Nhiệm vụ của chúng tôi là ổn định đời sống cán bộ công nhân viên và đảm bảo không bị lỗ vốn Nhà nước”, ông Thọ nói.
Hiện nay danh mục sản phẩm của Chương Dương cũng có tới 18 sản phẩm. Năm 2015, hãng đưa dòng sản phẩm mới là nước uống Nha Đam ra thị trường và có độ phủ 10 tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên, để ra mắt các sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, doanh nghiệp lại đứng trước bài toán công nghệ sản xuất. Nhiều năm qua, việc sản xuất vẫn phải vật lộn với công nghệ đã lỗi thời từ những năm 2000.
Năm ngoái, Chương Dương lại tung ra thị trường dòng sản phẩm mới nhưng công nghệ của nhà máy cũ không đáp ứng được, dẫn tới phải gia công bên ngoài. Việc này đã đẩy giá vốn hàng bán lên cao và sản phẩm không cạnh tranh nổi, đành phải ngưng sản xuất.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]