Theo kết quả báo cáo của Apple, hãng có nguy cơ phải đối mặt với năm đầu tiên trong lịch sử doanh số iPhone giảm so với năm trước đó. Đối thủ của hãng là Samsung lại đang mắc kẹt với điều tồi tệ hơn sau sự cố nổ Galaxy Note 7.
Không chỉ vậy, công ty tư vấn Gartner còn dự đoán doanh số bán điện thoại thông minh trong năm nay sẽ tăng 7%, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của năm 2015. Dự đoán này khiến nhiều người lo ngại rằng ngành công nghiệp sản xuất điện thoại thông minh sẽ sớm chững lại.
Nhà phân tích công nghệ Steven Pelayo từ HSBC đặt ra câu hỏi: “Thị trường điện thoại thông minh chính là một con quái vật. Thị trường này là một siêu chu kỳ chiếm lĩnh mọi thứ. Tiếp theo sẽ là gì?"
Câu hỏi này hiện đang là mối quan tâm hàng đầu tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc, đặc biệt là trong hoàn cảnh chỉ riêng Apple đã có tới 200 nhà cung cấp linh kiện, phần lớn nằm tại các nước Châu Á.
Theo ông Mitsuru Homma, giám đốc điều hành của Japan Display (JDI) với 85% doanh thu tới từ các nhà sản xuất điện thoại thông minh, một nửa trong số đó tới từ Apple, nếu doanh nghiệp này tiếp tục gắn bó với thị trường điện thoại thông minh, thì chỉ trong 5-10 năm tới, cái tên JDI sẽ không còn tồn tại. Với ông, đây chính là khủng hoảng.
Ngay cả chính phủ Nhật Bản, cổ đông lớn nhất của JDI, cũng đồng tình với quan điểm của ông Homma. Doanh nghiệp này hiện đang tìm kiếm giải pháp đa dạng hoá cung cấp các thiết bị kết nối mạng internet và với trí tuệ nhân tạo. Ông Homma cũng nhận thấy cơ hội trong lĩnh vực xe ô tô tự lái, sản phẩm đòi hỏi màn hình tương tác và có thể là cả bảng điều khiển thông minh cũng như màn hình y tế.
Ô tô cũng là một phần trong kế hoạch của Sony. Từ năm 2014, tập đoàn Nhật Bản này đã đặt cược vào thiết bị cảm ứng hình ảnh. Theo tổng giám đốc Shoichi Kitayama, lợi thế của Sony là thiết bị cảm ứng của hãng có thể nhận biết xe đạp và người trong bóng tối, và hình ảnh sắc nét ngay cả trong điều kiện nhiệt độ cao. Ông Kitayama cũng cho biết tới năm 2025, dòng ô tô bình dân sẽ có 2-3 thiết bị cảm ứng hình ảnh. Các dòng xe cao cấp hơn sẽ lắp đặt tới 10 thiết bị cảm ứng. Theo ông, quy mô của thị trường này có thể sẽ ngang ngửa với thị trường điện thoại thông minh.
Dù vậy, ông cũng thừa nhận rằng thị trường này còn khá mới và chưa được kiểm nghiệm, và ở thời điểm hiện tại, quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với thị trường điện thoại thông minh.
Trên thực tế, mong đợi của ông Kitayama khó có thể thành hiện thực trong tương lai gần. Giá các thiết bị bán dẫn trong mỗi chiếc ô tô được dự đoán sẽ tăng gấp đôi từ 350 USD lên 700 USD vào năm 2020. Với 80 triệu chiếc ô tô được bán mỗi năm, số tiền này sẽ tương đương với giá của khoảng 40 triệu chiếc iPhone.
Nhiều thiết bị mới khác cũng chịu chung số phận: đó là 2 triệu bộ thiết bị kính thực tế ảo được dự tính sẽ bán ra trong năm nay hay 20 triệu chiếc đồng hồ của Apple. Tất cả đều nhỏ bé so với điện thoại thông minh.
Rõ ràng, điện thoại thông minh hiện vẫn chiếm ưu thế dù đang tăng trưởng chậm và với phương thức làm việc còn chưa hoàn thiện.
Nhà phân tích công nghệ Cherry Ma tại CLSA đã chỉ ra hai xu hướng phát triển trong một số lĩnh vực nhất định cho thị trường điện thoại thông minh: thứ nhất, các nhà sản xuất điện thoại thông minh sẽ cải tiến camera, âm thanh và yếu tố thẩm mĩ nhằm giành thị phần; và thứ hai là người tiêu dùng sẽ chuyển sang các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc.
Bà Ma cũng cho biết so với duy nhất một sản phẩm trong năm ngoái, năm nay, khoảng 20 dòng điện thoại với camera kép cho ra chất lượng ảnh tốt hơn đã được ra mắt. Trong khi doanh số điện thoại toàn cầu chỉ tăng trưởng 1-2% trong năm nay, thì doanh số của các hãng điện thoại Trung Quốc lại tăng tới 20%.
Tổng giám đốc Tsutomu Haruta của Sony cho biết: “Mặc dù thị trường điện thoại thông minh đang dần bão hoà, nhưng dòng sản phẩm dùng camera kép vẫn còn không gian phát triển, do đó, sẽ cần nhiều thiết bị cảm ứng hình ảnh hơn trong mỗi chiếc điện thoại”. Theo ông, những nhà sản xuất hàng đầu lại đang tập trung phát triển camera.
Ông cũng cho biết: “Yêu cầu đã thay đổi ngay cả trong các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc. Họ đều mong muốn camera đặc biệt. Ngay cả các nhà sản xuất giá rẻ cũng đang tìm kiếm giải pháp mở rộng sang khu vực cao cấp và hiện mong muốn bổ sung thêm nhiều giá trị”.
Xu hướng này hiện đang ảnh hưởng tiêu cực tới doanh số của Apple tại Trung Quốc, nhưng lại có lợi cho một số nhà cung cấp hàng đầu, không chỉ là những hãng cao cấp như Sony, mà còn giúp ích cho các doanh nghiệp đầu tư vào mảng nghiên cứu và phát triển giành thị phần trong các thị trường ngách và phần cứng độc quyền.
Theo bà Ma, với các nhà cung cấp, độ phân giải cao hơn và chất lượng âm thanh tốt hơn bên cạnh các chi tiết phức tạp đồng nghĩa với mức giá trung bình cao hơn cũng như số lượng nhiều hơn. Về âm thanh, không có bất kỳ thiết kế tiêu chuẩn nào; những nhà cung cấp phải tạo ra thiết kế của riêng mình, tức là cần đầu tư thêm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Điều này có thể sẽ đem lại nhiều ích lợi, nhưng vẫn còn tồn tại một vấn đề. Các nhà phân tích công nghệ đã phát hiện ra một xu hướng bất biến trong thiết kế điện thoại thông minh ngoài các cập nhật về nâng cao hình ảnh; người dùng hiện nay cũng rất hài lòng với chiếc điện thoại của mình và không có ý định đổi điện thoại sớm.
Ít nhất, họ sẽ không định đổi điện thoại cho tới khi họ có một lý do mới và tốt hơn để làm điều này. Các nhà cung cấp cũng như các nhà sản xuất điện thoại thông minh sẽ cần phải thắt chặt chi tiêu trước khi xuất hiện một sáng kiến mới cho sản phẩm của mình.
Dù vậy, theo ông Pelayo, hiện nay, không một phân khúc đơn lẻ nào có thể bắt kịp sự phát triển của thị trường điện thoại thông minh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]