Ngày mà Forbes (tạp chí kinh tế uy tín của Mỹ) vinh danh vị tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC) thì tên Việt Nam chính thức lọt vào bản đồ tỷ phú thế giới. Giới doanh nhân nói riêng và người Việt nói chung còn trầm trồ thán phục tài kinh doanh của vị lãnh đạo trẻ này hơn nữa khi biết được câu chuyện khởi nghiệp đầy thăng trầm của ông.
Sinh năm 1968, quê gốc ở Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Phạm Nhật Vượng có tuổi thơ không được như các bạn đồng trang lứa khi được sinh ra vào đúng thời bao cấp khó khăn, lại sống trong gia đình đông anh em, cha là bộ đội. Cuộc sống nghèo khó khiến mẹ ông phải bán thêm quán nước chè để có thêm tiền trang trải và nuôi các con ăn học. Khi đỗ điểm cao vào trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội và được chọn đi du học ở Nga năm 1987, ông chỉ có duy nhất một ước mơ đó là làm sao cho gia đình bớt khổ.
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp trường Kinh tế địa chất lại Moscow, ông Vượng cưới bà Phạm Thu Hương rồi đôi vợ chồng trẻ quyết định đến Kharkov, Ukraine sinh sống. Thời điểm đó cũng là lúc Liên bang Xô Viết sụp đổ, nước Nga rơi vào vòng xoáy lộn xộn và trở nên kiệt quệ của giai đoạn tư bản hóa dưới thời Yeltsin. Và đây cũng là lúc câu chuyện khởi nghiệp mì gói huyền thoại của chàng trai nghèo bắt đầu. Ông Vượng vay mượn bạn bè được số tiền trị giá khoảng 10.000 USD và mở một nhà hàng tại Kharkov mang tên là Thăng Long.
Phạm Nhật Vượng- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
Sau đó, ông về Việt Nam mua một dây chuyền mỳ ăn liền hai vắt thô sơ và bắt đầu sản xuất mì ăn liền hiệu Miniva, bán cho dân bản địa. Technocom cũng ra đời từ đó, lúc đầu còn xa lạ với người dân Ukraine nhưng sau đó lại nhanh chóng được đón nhận. Những năm tháng tiếp sau đó Technocom kinh doanh rất thuận lợi, liên tục mở nhà máy mới mà vẫn không đủ sản phẩm để bán, khi đó sản phẩm mì gói Minava trở thành một thương hiệu đặc biệt hấp dẫn với người dân Ukraine.
Tiếp tục mở rộng thị trường của mình bằng cách sản xuất thêm bột canh, Technocom lại một lần nữa làm hài lòng các bà nội trợ nơi đây. Nhưng cũng giống như bất kì doanh nghiệp mới khởi nghiệp nào khác, Phạm Nhật Vượng gặp những khó khăn về vốn đầu tư. Thời gian đầu, ông vay mượn gần 100.000 USD từ một số bạn bè là người Việt kinh doanh tại Nga với mức lãi suất lên tới 8% mỗi tháng. Phải mãi vài năm sau này ông mới trả hết số vốn vay mượn được. Nhưng may mắn đã mỉm cười với ông khi ông vay được nguồn vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ ngân hàng Tái cấu trúc Châu Âu với mức lãi suất 12% một năm. Nhờ đó mà Technocom có cơ hội đẩy mạnh sản xuất hai thương hiệu mì và bột canh để trở thành ông vua thực phẩm ăn nhanh của Ukraine .
Vốn là người theo đạo Phật, lại luôn mang trong mình khát khao cháy bỏng được trở về làm giàu cho quê hương , Phạm Nhật Vượng quyết định đầu tư về Việt Nam. Và Nha Trang là nơi đầu tiên ông Vượng nghĩ tới khi trở về nước bởi theo ông thì nơi đây là một địa điểm lí tưởng lại chưa có nhiều nhà đầu tư. Quyết định biến Hòn Tre thành khu nghỉ dưỡng cao cấp của ông Vượng vào thời điểm đó bị cho là thiếu suy nghĩ và hoang phí. Chỉ sau khi Vingroup xây đường cáp treo vượt biển để nối Vinpearl với đất liền thì những y kiến trái chiều mới lắng xuống. Vinpearl giờ đây đã trở thành một trong những sản phẩm hàng đầu của Vingroup.
Thời điểm này, vị chủ tịch của Vingroup bay qua bay lại giữa Việt Nam và Ukraine để lo việc kinh doanh cả trong lẫn ngoài nước. Và sau nhiều đêm trăn trở, Phạm Nhật Vượng quyết định bán Technocom. Đây là một quyết định bất ngờ với nhiều người và càng bất ngờ hơn nữa khi biết Technocom đã được Nestle gạ bán nhiều lần tại thị trường Ukraine trước đó. Và cho đến tận bây giờ, số tiền mà Nestle đã bỏ ra để mua lại Technocom vẫn là một ẩn số với nhiều người.
Sau khi đưa ra quyết định táo bạo là tập trung hẳn nguồn lực đầu tư trong nước, Phạm Nhật Vượng đã khiến giới bất động sản chao đảo khi cùng Vingroup bước những bước tiến ngoạn mục. Tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của Vingroup thời điểm đó khiến các nhà đầu tư bất động sản quốc tế đặt Vingroup lên ngang hàng với những nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong khu vực.
Với việc khởi đầu bằng hàng loạt các dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp tại đảo Hòn Tre, Nha Trang, Vingroup đã tạo ra được 4 thương hiệu và dòng sản phẩm chính cho mình. Đầu tiên phải kể đến Vinpearl với hệ thống khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp bậc nhất trên toàn quốc mang lại nguồn lợi nhuận không hề nhỏ cho tập đoàn này, đồng thời cũng là phần đầu tư mà Vingroup ít khi bán đi sau khi xây xong, bởi các nhà quản trị chiến lược đã nhìn ra được những khoản thu siêu lợi nhuận từ việc khai thác nó.
Vincom - thương hiệu phát triển các dự án bất động sản phức hợp bao gồm cả nhà ở, văn phòng, khu mua sắm giải trí cũng đem lại những nguồn thu đáng kể cho tập đoàn này. Hai thương hiệu còn lại là Vinmec và Vinschool là hai dòng sản phẩm nằm trong lĩnh vực y tế và giáo dục, mang nhiều khát vọng xã hội hơn là lợi nhuận của ông chủ tập đoàn Vingroup.
Những dự án lớn của Tập đoàn Vingroup.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực bất động sản, thương mại tài chính, chứng khoán, khách sạn, du lịch mà vị tỉ phú trẻ tuổi còn thể hiện tham vọng chinh phục khi lấn sân sang lĩnh vực mới - thương mại điện tử - một lĩnh vực đang chiếm lĩnh vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới.
Mới đây, ngày 11/2 chủ tịch tập đoàn Vingroup đã chính thức thay mặt HĐQT Công ty ban hành quyết định góp vốn thành lập Công ty mới có tên gọi Vine-Com, với số vốn điều lệ ban đầu là 1.050 tỷ đồng trong đó có tới 735 tỷ đồng do Vingroup đóng góp. Việc lấn sân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới này thể hiện tầm nhìn chiến lược của ông chủ Vingroup muốn hướng đến mục tiêu tạo ra một kênh mua sắm mới cho khách hàng thông qua hình thức bán hàng trực tuyến. Đồng thời tất cả việc thanh toán và giao dịch các hoạt động thương mại điện tử của Vingroup cùng đối tác cũng sẽ được thực hiện thông qua Công ty mới. Đây có thể coi là một bước tiến quan trọng trong kinh doanh của vị tỷ phú tài ba này.
Dễ dàng nhận thấy một điểm chung đặc biệt của các thương hiệu là đều được bắt đầu bằng chữ "VIN" - chữ viết tắt của Việt Nam, thể hiện một khát vọng mà Phạm Nhật Vượng luôn khao khát được cống hiến trong cuộc đời, đó là có thể góp một phần nhỏ bé của mình để Việt Nam được “ ngẩng mặt lên với thế giới”.
Giờ đây, ở tuổi 46, Phạm Nhật Vượng trông thật trẻ trung, sung sức, tràn đầy nhiệt huyết như chính những công trình mà ông xây dựng.
Đi lên từ hai bàn tay trắng, chưa khi nào ông nghĩ mình lại có được trong tay một tập đoàn đồ sộ như thế này. Trước đây, khi nhà máy mỳ bắt đầu có lợi nhuận vào năm 1997-1998, lúc đó ông từng nghĩ khi nào mình có 2 triệu USD thì nghỉ làm, đi chơi. Thế nhưng, ông Vượng đã không dừng lại ở 2 triệu USD và cũng không nghỉ làm việc để đi chơi. Công việc cuốn ông đi và ngày hôm nay, Vingroup là một tập đoàn giá trị khoảng 74.980 tỷ đồng, tuyển dụng hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp. Riêng ông nắm giữ số cổ phiếu đạt 19.780 tỷ đồng trong Vingroup.
Hàng ngày, ông Vượng vẫn làm việc bận rộn, thường xuyên xuống tận các công trường. Ông nói: "Bây giờ mình làm vì nhiều lý do khác nhau. Tôi không quan tâm xem được bao nhiêu tiền, mà muốn xây dựng được những công trình đẹp để lại cho đời".
Con đường khởi nghiệp của đứa con gốc miền Trung đầy nắng gió thật trắc trở nhưng trên con đường đó lúc nào cũng đong đầy tình yêu quê hương đất nước, và cũng chính bởi vậy mà cuộc sống đối với Phạm Nhật Vượng luôn là những cuộc hành trình đi tìm y nghĩa thật sự của cuộc đời mình, để sống thật xứng đáng và làm đẹp thêm cho đời bằng những công trình được xây bằng cả trái tim của đứa con đất Việt.
Theo Nguyễn Hà - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]