Nội dung nổi bật:
Theo TS. Phan Minh Ngọc
- Hành động có phần khá đột ngột của NHNN chắc đã làm sửng sốt không ít người, vì gần đây NHNN vẫn tái khẳng định lập trường đối với VND; các chuyên gia cũng tin rằng NHNN chẳng có lý do gì phải phá giá tiền đồng
- Áp lực đối với VND không phải là mới và bất ngờ. NHNN đã phải bán USD để can thiệp ổn định tỷ giá trong mấy tháng gần đây
- Không chỉ NHNN mà cả thế giới, trừ chính Trung Quốc, đã không lường trước được việc Trung Quốc sẽ phá giá CNY trong thời điểm này.
- Hàng xuất khẩu của Việt Nam bị mất thêm lợi thế ở Trung Quốc và trên khắp thế giới khi phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc có giá rẻ hơn
- Việc Trung Quốc phá giá CNY, NHNN chỉ có 2 lựa chọn, hoặc bán USD hoặc "buông" tỷ giá, trong đó cách lựa chọn thứ hai là lợi thế hơn
- Hành động của NHNN không chỉ đáng hoan nghênh ở góc độ là kịp thời tuân theo luật chơi của thị trường mà còn ở góc độ là NHNN đã chọn đúng lý do, đúng thời điểm để đưa ra một quyết định dũng cảm như vậy.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 12/8 đã quyết định nới biên độ tỷ giá VND/USD từ mức +/-1% lên +/-2% với lý do là Trung Quốc điều chỉnh giảm tỷ giá Nhân dân tệ (CNY) 1,9% trong ngày 11/8. Cụ thể hơn, NHNN giải thích rằng Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam thì việc điều chỉnh tỷ giá CNY này sẽ tác động bất lợi cho kinh tế Việt Nam (và, do đó, thúc đẩy NHNN đi đến quyết định này).
Hành động có phần khá đột ngột này của NHNN chắc đã làm sửng sốt không ít người, và tin này lập tức trở thành tin “hot” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lý do là vì cho đến tận gần đây, NHNN vẫn tái khẳng định lập trường không phá giá VND quá 2 điểm phần trăm trong năm nay, và rằng họ có đủ tiềm lực để thực hiện mục tiêu này, cũng như tin tưởng vào tính hợp lý của mục tiêu này vì nó được xây dựng trên những tính toán dài hơi và thực hiện bởi sự phối hợp hài hòa của nhiều công cụ. Ngay cả trong giới chuyên gia và quan sát cũng có nhiều người chung nhận định này, vì cho rằng chẳng có lý do gì mà NHNN phải phá giá khi cán cân thanh toán vẫn được dự báo là thặng dư lớn trong năm nay với nguồn kiều hối, FDI và ODA dồi dào v.v…
Khách quan mà nói, chuyện NHNN gặp áp lực ngày càng lớn lên tỷ giá VND không phải là mới và bất ngờ, trong bối cảnh nhập siêu ngày càng tăng, một phần do các nước đối tác và các đối thủ cạnh tranh đã (chủ động) để đồng bản tệ của họ suy yếu so với USD, và tức là với VND. Trong mấy tháng gần đây, để bảo vệ tỷ giá VND không vượt quá biên độ cam kết, NHNN đã phải bán ra USD để can thiệp, mà theo nguồn tin của báo chí thì lên tới hàng tỷ USD. Dẫu vậy, nhìn nhận công bằng thì số ngoại tệ bỏ ra này không phải là quá lớn so với dự trữ ngoại hối lên tới 40 tỷ USD như Thống đốc NHNN mới tiết lộ, và, do đó, nếu muốn thì NHNN vẫn đủ khả năng bảo vệ tỷ giá thêm một thời gian nữa.
Nhưng có lẽ không chỉ NHNN mà cả thế giới, trừ chính Trung Quốc, đã không lường trước được việc Trung Quốc sẽ phá giá CNY, mà lại còn phá giá mạnh nhất trong nhiều năm nay, trong thời điểm này. Hành động phá giá của nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ trực tiếp làm khó thêm cho kinh tế Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng. Hàng xuất khẩu của Việt Nam bị mất thêm lợi thế ở Trung Quốc và trên khắp thế giới khi phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc có giá rẻ hơn. Trong khi thị trường nội địa Việt Nam lại càng tràn ngập thêm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhờ lợi thế giá rẻ.
Chưa hết, đồng CNY yếu hơn sẽ gián tiếp tác động bất lợi cho Việt Nam khi nó lôi kéo theo sự phá giá bản tệ hàng loạt của nhiều nước khác trên thế giới và trong khu vực, như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan v.v…với mức độ đáng kể, mặc dù những nước này đã chủ động để bản tệ của họ mất giá ngay từ nửa cuối năm 2014. Các đồng bản tệ suy yếu mạnh này là một trong những nguyên nhân làm nhập siêu gia tăng ở Việt Nam trong năm nay.
Lưu ý rằng, cũng có người cho rằng phá giá CNY sẽ không tác động đáng kể đến xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam vì mức phá giá mà CNY chỉ là 1,9%. Nhưng quan điểm này đã bỏ qua tác động gián tiếp của việc phá giá CNY lên Việt Nam thông qua các bản tệ khác như phân tích ở trên. Bởi vậy, tác động tổng hợp của việc phá giá CNY lần này chắc chắn sẽ không hề nhỏ, cho dù đúng là mức độ phá giá ở mức 1,9%.
Đứng trước tình huống này, NHNN chỉ có hai lựa chọn: (1) tiếp tục phải bán ra ngày càng nhiều USD hơn để can thiệp bảo vệ tỷ giá, trong khi tương lai chờ đợi phía trước không rõ ràng (khó có thể kỳ vọng các nước thôi phá giá hoặc làm mạnh bản tệ trở lại như trước đây); (2) chấp nhận “buông” tỷ giá để VND mất giá thêm.
Rõ ràng, lựa chọn thứ 2 là tối ưu nếu so với lựa chọn thứ nhất, mà về thực chất chỉ là việc mua thêm thời gian. Nhược điểm của lựa chọn thứ hai là sự sụt giảm niềm tin vì NHNN đã phá vỡ cam kết không điều chỉnh tỷ giá thêm. Nhưng thực ra thì việc phải điều chỉnh tỷ giá là điều mà thị trường đã dự đoán trước, có điều là không biết NHNN còn chờ đến khi nào. Và rồi tình hình có bước thay đổi đột biến khi Trung Quốc phá giá CNY, buộc NHNN phải lựa chọn cách thứ hai, có thể vì biết rằng lựa chọn thứ nhất là không thể vì ngay cả khi Trung Quốc cũng phải phá giá bản tệ. Nói cách khác, việc phá giá CNY như một giọt nước làm tràn ly, buộc NHNN phải phá giá VND thêm.
Hành động trên của NHNN không chỉ đáng hoan nghênh ở góc độ là kịp thời tuân theo luật chơi của thị trường, tránh gây thêm những tổn thất không đáng có cho nền kinh tế nói chung và dự trữ ngoại hối nói riêng, mà còn ở góc độ là NHNN đã chọn đúng lý do, đúng thời điểm để đưa ra một quyết định dũng cảm như vậy.
Với lý do hết sức thuyết phục là vì Trung Quốc là một đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam nên Việt Nam buộc phải phá giá VND theo việc phá giá CNY, NHNN đã phần nào bảo toàn được uy tín của mình, khi dư luận cho rằng đây là yếu tố khách quan nằm ngoài sự tính toán và kiểm soát của NHNN.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]