Năm 2013, tình hình kinh tế khó khăn hơn, một số nhóm ngành làm ăn có lãi và dự kiến mức thưởng tết sẽ cao hơn năm ngoái. Bên cạnh đó, những nhóm ngành làm ăn huề vốn hay thậm chí thua lỗ đang ì ạch, tích góp từng đồng để có tiền thưởng tết, hay thậm chí là không có thưởng cho người lao động (NLĐ). Đồng nghĩa với việc hàng triệu công nhân và người lao động đang đối mặt với một cái tết khó khăn, có thể là không có tết.
Hàng triệu lao động đang chờ vào tiền thưởng tết cuối năm từ doanh nghiệp để lo một cái tết đầy đủ.
Thưởng tết kiểu... tượng trưng
Gần đến tết, các công ty đang chuẩn bị tiền từ nhiều nguồn để thưởng tết cho NLĐ. Với những công ty hay tập đoàn kinh doanh trong ngành dệt, điện, chứng khoán, việc thưởng Tết Giáp Ngọ 2014 có khởi sắc hơn khi hàng loạt doanh nghiệp công bố mức trung bình số tiền thưởng cũng cao hơn năm ngoái gần 20%. Còn đối với những công ty cổ phần, doanh nghiệp nhỏ... tình hình thưởng tết không mấy khả quan, khi hầu hết các doanh nghiệp chỉ có thể trả lương tháng 13 như quy định của luật Lao động, còn tiền thưởng tết hầu như không có. Năm 2013 là một năm tương đối khó khăn với nhiều doanh nghiệp, những doanh nghiệp vượt qua được khủng hoảng kinh tế đang dần phục hồi. Hàng loạt doanh nghiệp đang kêu ca việc dù huy động rất nhiều nguồn nhưng vẫn không có tiền thưởng tết cho NLĐ.
Các doanh nghiệp không có tiền thưởng tết đang đẩy hàng triệu người lao động gặp khó khăn. Còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhưng theo sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP.HCM thì nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có thông báo về mức tiền thưởng tết cho NLĐ. Các doanh nghiệp cho rằng, kinh tế có những khó khăn chung nên doanh thu giảm sút, nguồn tài chính eo hẹp, nợ xấu từ năm trước đến nay vẫn chưa thể thanh toán... đó là những nguyên nhân khiến việc thưởng tết không cao, nhiều doanh nghiệp còn không có tiền thưởng cho NLĐ. Lãnh đạo một công ty kinh doanh trong ngành cao su cho biết, năm nay giá mủ cao su liên tục giảm, giá bán thấp hơn năm ngoái khoảng 20% khiến doanh thu giảm, việc thưởng tết cũng theo đó mà thấp hơn năm ngoái.
Với những lao động làm việc trong các công ty thuộc nhóm ngành xây dựng - bất động sản, tình hình còn thê thảm hơn khi cả một năm qua, thị trường này đóng băng, nhiều công ty, tập đoàn đã phải trả tiền lương cho công nhân theo quý. Đến quý 4 năm 2013, nhiều NLĐ vẫn chưa được thanh toán tiền lương. Với những NLĐ làm việc trong nhóm ngành này, việc được trả hết lương lao động trong một năm họ đã có thể vui vẻ đón tết.
Anh Nguyễn Văn V. công nhân một công ty da giày tại Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức, TP. HCM) cho biết: "Năm nay công ty luôn thiếu nguồn hàng, có tháng công nhân còn bị công ty cắt bớt tiền lương. Công việc không nhiều nên không được tăng ca như mọi năm. Thời gian trước công ty còn làm ăn có lãi, mức thưởng khoảng từ 2 - 3 tháng lương. Năm nay chưa đến tết nhưng lãnh đạo công ty đã thông báo chỉ thưởng tết tượng trưng và kêu gọi NLĐ thông cảm và chia sẻ với công ty trong thời buổi kinh tế khó khăn".
Ngành ngân hàng cũng không khởi sắc hơn khi tiền thưởng không tăng, thậm chí là giảm. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết: "Ngân hàng là ngành trước đây luôn đi đầu trong việc thưởng tết cho NLĐ, nhưng năm nay, nhiều ngân hàng cổ phần, ngân hàng mới sáp nhập cho biết họ cũng chỉ có thể trả lương tháng 13 theo đúng nghĩa vụ. Nhưng không phải ai cũng được trả đủ một tháng lương, mà tùy vào vị trí và kết quả hoàn thành công việc của đơn vị, NLĐ".
Cắt giảm nhân sự để... né thưởng tết
Chị Nguyễn Thị Mỹ, nhân viên biên tập tại một công ty bán hàng trên mạng bức xúc: "Vì lương thấp, làm cả năm trời cũng không có tiền dư, đến gần tết mong có tiền thưởng để mua vé xe về quê, thì đùng một cái nhận được thông báo công ty sẽ cắt giảm nhân sự xuống còn 2/3. Doanh nghiệp luôn cho rằng phải cắt giảm nếu muốn tồn tại, những vị trí họ cắt giảm thường là dễ kiếm người thay thế. Có nhiều doanh nghiệp chỉ thưởng tết tượng trưng nhưng NLĐ vẫn vui, ít ra họ không bị sa thải, họ còn nhận được lương tháng cuối cùng để trang trải.
Luật sư Trần Thanh Dân, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: "Hiện trong luật không có quy định nào về thời điểm doanh nghiệp được phép sa thải NLĐ. Việc làm ăn khó khăn nên doanh nghiệp cắt giảm là điều khó tránh, nhưng cắt giảm nhân sự vào dịp cận tết khiến NLĐ thiệt thòi, vì không những họ không được hưởng lương tháng 13 mà còn không có tiền thưởng tết. Thời điểm cuối năm rất khó xin việc, nếu có xin được việc thì mới vào làm cũng không có tiền thưởng tết. Để NLĐ không còn thiệt thòi, cần thiết phải có một cơ quan đưa ra những quy định về việc thời điểm sa thải NLĐ, không chấm dứt hợp đồng vào dịp cuối năm để bảo đảm các quyền lợi cho NLĐ có thưởng tết".
Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - tiền lương - tiền công (sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP. HCM) cho biết: "Mức thưởng tết năm nay chia làm ba nhóm: Nhóm thưởng nhiều, nhóm thường ít và nhóm không thưởng. Với nhóm thưởng nhiều cũng chỉ tăng cao hơn năm ngoái khoảng 20%. Nhiều doanh nghiệp chỉ đủ tiền trả cho NLĐ tháng lương thứ 13, nếu có thưởng tết thì cũng chỉ tượng trưng chứ không có nhiều. Không ít doanh nghiệp thông báo không có thưởng tết. Hiện nay một số doanh nghiệp còn nợ tiền lương của NLĐ, và đang phải nỗ lực để có tiền thanh toán khoản nợ này cho NLĐ đón tết. Một số doanh nghiệp khẳng định sẽ có tiền thưởng tết cho NLĐ, nhưng mức thưởng bao nhiêu thì vẫn chưa công bố".
NLĐ chịu thiệt vì bị cắt hợp đồng dịp cuối năm
Đối với những người lao động mới vào các doanh nghiệp làm việc, họ cũng đối mặt với việc không có thưởng tết. Có người làm việc cho công ty cả năm trời, hy vọng đến tết sẽ được thưởng, nhưng trái với mong muốn, nhiều người bị công ty cắt giảm nhân sự. Theo nhiều công ty, việc cắt giảm lao động để giảm bớt chi phí, nhưng trên thực tế, không ít doanh nghiệp cắt giảm vì mục đích là để né thưởng tết.
Theo Công Thư - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]