Ngày 25/05/2015, tại Tp.Hồ Chí Minh, sự kiện Invest ASEAN 2015 với chủ đề “Việt Nam - Công xưởng mới của thế giới” do Tập đoàn Maybank Kim Eng tổ chức đã chính thức được bắt đầu. Đây là một chuỗi các hội nghị diễn ra trên toàn ASEAN, được tổ chức tại Việt Nam, tiếp đó là Thái Lan, Malaysia, Philippines và kết thúc tại Indonesia. Tất cả các hội nghị đều tập trung thảo luận các cơ hội đầu tư tại ASEAN, với chủ đề riêng biệt phù hợp với từng quốc gia chủ trì hội nghị.
Và ngày hôm nay, 26/05/2015, sự kiện đang diễn ra với sự tham gia của Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội - Ông Nguyễn Vũ Quang Trung cùng đại diện lãnh đạo UBCKNN - Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Long, các doanh nghiệp đến từ Thái Lan, Malaysia, Singapore cùng hơn 100 đại diện các quỹ đầu tư với tổng giá trị tài sản quản lý lên tới 5.000 tỷ USD.
Việt Nam - cấu phần quan trọng trong chiến lược Trung Quốc +1
Phát biểu tại sự kiện, ông John Chong - Giám đốc điều hành Tập đoàn Maybank Kim Eng dẫn số liệu chứng minh về "kỳ tích không nhỏ của khu vực ASEAN". Theo đó, các nền kinh tế trong ASEAN đã tăng trưởng bình quân hàng năm trên 6% suốt 5 năm qua, và sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 5%/năm trong khoảng 3 năm tới. Đây sẽ là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới với tổng GDP hơn 2.400 tỷ USD, dân số đông thứ 4 thế giới với 625 triệu người.
Nói riêng về Việt Nam – đất nước được xem là “công xưởng mới của thế giới”, ông John Chong nhận xét, Việt Nam có nhiều lợi thế trong ASEAN như vị trí chiến lược gần chuỗi cung ứng toàn cầu, lực lượng lao động chi phí thấp, trẻ và có trình độ. Chi phí lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/2 so với Trung Quốc, Thái Lan và Philippines.
“Ngay đầu thập niên 1990, các nhà sản xuất công nghiệp chế tạo nước ngoài đã dựa vào Việt Nam như một cấu phần quan trọng trong chiến lược Trung Quốc + 1 khi lập nhà máy ở Việt Nam, để phòng rủi ro cho các khoản đầu tư tại Trung Quốc, như Samsung, Toyota hay Ford”, ông John Chong nói.
Ông Huỳnh Quang Hải, Giám đốc điều hành Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) cho biết, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm dừng chân, không hẳn vì chi phí nhân công rẻ mà còn do nhân công trẻ, siêng năng, ham học hỏi và tiếp thu tốt, nhất là cấp quản lý. Nhiều chuyên gia cho rằng, khi một số hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, các rào cản được hạ thấp, nhà đầu tư dễ dàng đến Việt Nam thì thị trường vốn cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực.
NĐT nước ngoài đã để sẵn tiền ngoài cửa, chờ Việt Nam mở ra
Theo ông John Chong, nhiều NĐT đang chờ Việt Nam thực hiện các cam kết, và họ đã “để sẵn tiền ngoài cửa”, chỉ chờ các chính sách của Việt Nam mở ra.
“ Việt Nam đã có vị thế rất tốt, nhưng cần phải đầu tư vào lĩnh vực trọng yếu như phát triển hạ tầng, công nghệ, con người. Đặc biệt là phải đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Cần nới room cho NĐT nước ngoài và sớm ban hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết để NĐT nước ngoài có thể tham gia mua hơn 49% cổ phần vào các tập đoàn, tổng công ty lớn đang niêm yết nhưng đã hết room.”
Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, qua 15 năm phát triển, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đạt khoảng 32% GDP, nếu tính cả dư nợ trái phiếu, quy mô của thị trường vốn Việt Nam đạt 55% GDP. Ông Long khẳng định, thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế. Trong 15 năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển từ một hệ thống tài chính dựa hoàn toàn vào ngân hàng sang một hệ thống đa trụ cột, có sự tham gia ngày một tăng của thị trường vốn.
Với ưu thế về cơ cấu dân số vàng, lực lượng lao động trẻ ngày càng chuyên nghiệp và làn sóng đầu tư từ các công ty đa quốc gia như Samsung, Intel…, Việt Nam hội đủ yếu tố trở thành công xưởng mới của thế giới, mở ra cơ hội và tiềm năng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]