Hầu hết các doanh nghiệp đều lạc quan về triển vọng phục hồi. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Tăng kỳ vọng
Theo ông Thúy, để cung cấp kịp thời thông tin về xu hướng sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê đã tiến hành điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014.
Cụ thể, đối tượng điều tra bao gồm 7.675 doanh nghiệp, trong đó có 237 doanh nghiệp nhà nước, 6.812 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 626 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Kết quả Báo cáo cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp đã bắt đầu ổn định và khó khăn đã dần giảm bớt so với những năm trước. Bằng chứng, từ 1/1/2013-1/3/2014 trên cả nước có khoảng 5,6% số doanh nghiệp ngừng sản xuất, trong khi tỷ lệ này cùng thời điểm năm 2012 là 8,4%.
Hầu hết các doanh nghiệp được hỏi cho biết đều lạc quan về triển vọng phục hồi và phát triển với các dự báo chỉ tiêu chủ yếu của năm 2014 đều cao hơn 2013.
Theo Báo cáo, có 51,5% số doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên quy mô về số lượng lao động, trong khi đã có 38,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng quy mô lao động và chỉ có 10% số doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô lao động. (Số liệu tương ứng của năm 2013 là 44,8%; 29,7% và 25,5%.)
Bên cạnh đó, có đến 75,1% số doanh nghiệp lạc quan với dự kiến lợi nhuận trước thuế cao hơn năm trước, trong khi dự kiến này ở năm 2013 chỉ là 46,6%.
“Kết quả trên phần nào chứng tỏ môi trường kinh doanh đang thuận lợi hơn, kinh tế vĩ mô dần ổn định, thị trường trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi theo hướng dần giảm bớt khó khăn đồng nghĩa với thuận lợi ngày càng gia tăng giúp các doanh nghiệp lạc quan hơn, đầu tư nhiều hơn và kỳ vọng hiệu quả sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn trong năm 2014 và các năm tiếp theo," ông Thúy nói.
“Đói" thông tin về thị trường
Mặc dù Báo cáo cho biết, các doanh nghiệp đánh giá chung nhu cầu thị trường trong nước năm 2014 có triển vọng hơn so với năm 2013, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan về thị trường trong nước chưa cao, chỉ với 34,8%. Trong khi đó vẫn còn 16,2% số doanh nghiệp cho rằng thị trường trong nước năm 2014 kém hơn 2013.
Hơn thế nữa, ông Thúy nhấn mạnh, thời điểm hiện nay vẫn còn đến 50,5% số doanh nghiệp không vay vốn cho sản xuất kinh doanh, cộng với tỷ lệ dự kiến mở rộng quy mô về lao động và quy mô vốn năm 2014 chưa cao cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào sự hồi phục và tính ổn định của thị trường và nền kinh tế trong nước cũng như quốc tế trong thời gian tới.
Một thực trạng khác cũng đáng lo ngại, khi mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có thông tin chắc chắn về nhu cầu của thị trường thế giới. Theo Báo cáo, có tới 55,8% số doanh nghiệp được hỏi trả lời không biết hoặc không đánh giá được nhu cầu của thị trường thế giới hiện nay.
Từ thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là qui mô vừa và nhỏ, không có nhiều doanh nghiệp lớn nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu nên hạn chế nhiều đến khả năng nắm bắt nhu cầu của thị trường thế giới.
"Qua đó cũng chỉ ra vai trò của Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc xúc tiến và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trong nước về nhu cầu của thị trường thế giới còn hạn chế.
Điều này hạn chế và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu,” ông Thúy nhấn mạnh./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]