Ảnh minh họa
Tránh phong trào
Gần đây nhất, kết luận số 74-KL/TW ngày 17-10-2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XI đã nêu: “Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt”. Ba khu kinh tế tiêu biểu đầu tiên gồm Vân Đồn - tỉnh Quảng Ninh; Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang; Bắc Vân Phong - tỉnh Khánh Hòa đã được lựa chọn.
Thế nhưng, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, ngoài ba khu vực nói trên, những địa điểm khác có thể được lựa chọn là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (hình thành tuyến phát triển ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam); Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (tuyến phát triển phía Bắc); các tỉnh ven biển miền Trung (Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định...).
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo tư duy về đặc khu kinh tế có dấu hiệu theo phong trào mà nhiều địa phương đã từng đua nhau làm trước đây.
Cảnh báo này là có cơ sở khi Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh đã gửi kiến nghị lên các bộ, ngành và Chính phủ xin thành lập một đặc khu kinh tế với nhiều ưu đãi đặc thù. Chính phủ đã bác đề xuất này, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Một ví dụ khác là tỉnh Quảng Ngãi cũng đang xin trung ương thành lập mô hình đặc khu kinh tế Dung Quất trên cơ sở khu kinh tế Dung Quất.
Việc trên 10 tỉnh gửi đề nghị xin cấp phép casino về Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bổ sung cho cảnh báo này. Đặc khu kinh tế mà tỉnh nào cũng có, vùng nào cũng có, thì chẳng còn là đặc khu nữa!
Đặc khu kinh tế là gì?
Nhưng, với hầu hết mọi người, khái niệm về đặc khu kinh tế vẫn chưa rõ ràng. Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, đặc khu kinh tế được tổ chức tại một khu vực địa lý riêng biệt, ở đó được áp dụng những chính sách kinh tế đặc biệt như miễn giảm các loại thuế; nới lỏng các quy tắc thuế quan và ngoại hối nhằm thu hút (chủ yếu) vốn đầu tư nước ngoài đi kèm công nghệ cao và có thể chế quản lý hiện đại để phát triển một cơ cấu ngành nghề phù hợp với xu hướng thời đại.
Đây là một loại hình riêng của khu kinh tế tự do, được tổ chức theo đẳng cấp thể chế cao có tổ chức quản lý hiện đại xét theo chuẩn mực thế giới (thường là loại đẳng cấp cao nhất) và được tổ chức với cấu trúc đầy đủ như một xã hội thu nhỏ. Việc xây dựng loại hình này nhằm tạo ra một vùng động lực mạnh (tọa độ đột phá phát triển) để tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc. Đặc khu cũng phải là và chính là cửa ngõ thúc đẩy giao lưu và hội nhập quốc tế.
Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bùi Tất Thắng cho rằng các chính sách áp dụng cho đặc khu kinh tế đều có tinh thần chung là giảm thiểu mọi hàng rào ngăn cản các dòng di chuyển của các nguồn lực và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tất cả chờ vào luật
Song, tất cả đều phải chờ luật về đặc khu kinh tế, bởi chắc chắn không một nhà đầu tư nước ngoài nào bỏ vào hàng tỉ đô la mà không cần cơ sở pháp lý cao nhất đảm bảo cho đồng tiền của họ. Được biết, dự luật này đang được Bộ Nội vụ soạn thảo, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ chối. Tuy nhiên, việc xem xét phê chuẩn luật này chưa thấy có trong chương trình làm việc của Quốc hội năm tới.
Giáo sư Hà Tôn Vinh, cố vấn đầu tư của tỉnh Quảng Ninh, cho biết cá nhân ông đã gặp bốn tỉ phú của thế giới, và nhận được sự quan tâm của họ về các đặc khu kinh tế và casino ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Vinh khẳng định, để thuyết phục các nhà tỉ phú, Việt Nam phải ra được luật, và các nghị định theo lộ trình rất cụ thể. Nếu chưa ra được khuôn khổ pháp lý, thì “họ đơn giản là không quan tâm”, ông nói.
Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi kiến nghị, luật về đặc khu kinh tế cần có hai điểm chính. Thứ nhất, về cơ chế chính sách kinh tế - xã hội: quy định chính sách về thuế, tài chính, ngân hàng, đất đai, nhà ở, đầu tư, thương mại, thu hút nguồn nhân lực... ưu đãi hơn các luật hiện hành và đủ sức cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh đó, quy định các điều kiện cụ thể về hoạt động casino quy mô lớn và cho người Việt Nam được tham gia. Thứ hai, về bộ máy hành chính: ủy ban nhân dân (UBND) được tổ chức hai cấp theo mô hình chính quyền đô thị không có hội đồng nhân dân, gồm UBND đặc khu và UBND các phường. Chủ tịch UBND đặc khu do chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm. Chủ tịch UBND phường do chủ tịch UBND đặc khu bổ nhiệm.
Đặc khu kinh tế Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập năm 1979, cùng thời điểm người Trung Quốc tạo cơ chế cho đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, nhưng sau đó đã bị giải thể vào năm 1991. Chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế sau đó đã được đưa vào Hiến pháp năm 1992, được nêu lại trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994. Hơn 20 năm trôi qua, đến nay ta vẫn không có một đặc khu kinh tế nào được thành lập dù cả nước đã có 15 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu.
Liệu những quyết tâm tái khởi động gần đây có giúp Việt Nam xây dựng được các đặc khu kinh tế? Những thử nghiệm thất bại trong quá khứ có giúp rút ra bài học cho các cấp cao nhất?
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]