Đầu năm 2016, nhằm thâm nhập sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử, VNG - doanh nghiệp game online lớn nhất Việt Nam - đã mua 38% cổ phần của trang thương mại điện tử Tiki.vn. Báo cáo tài chính của VNG cho thấy, tổng số tiền mà VNG chi ra cho thương vụ này là 384,4 tỷ đồng – tương ứng giá mua lên đến 104.300 đồng/cp – trong đó có 337,2 tỷ đồng trả cho Tiki để mua cổ phiếu phát hành mới, còn lại là mua lại từ những cổ đông hiện hữu.
Mức giá mà VNG đã mua tương ứng với việc định giá Tiki lên đến hơn 1.000 tỷ đồng (45 triệu USD) – đưa doanh nghiệp này trở thành một trong những startup đắt giá nhất hiện nay. Giống như hầu hết các công ty thương mại điện tử khác, Tiki đang lỗ. Cùng với việc mở rộng quy mô và được VNG rót một khoản tiền lớn thì "tốc độ lỗ" của Tiki dường như càng ngày càng lớn.
Báo cáo thường niên của VNG cho biết, trong năm 2016, Tiki lỗ 40,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang năm 2017, mức lỗ đã tăng gấp 7 lần lên 282 tỷ đồng.
Được thành lập năm 2010 và đặt trụ sở chính tại TP HCM, Tiki bắt đầu khởi nghiệp với việc bán sách trực tuyến. Trang thương mại điện tử này bắt đầu vòng gọi vốn đầu tiên vào năm 2012 từ quỹ đầu tư mạo hiểm Cyberagent trước khi chốt khoản đầu tư của vòng Series B với tập đoàn Sumimoto. Sau đó là khoản đầu tư từ VNG.
Với nền tảng tài chính nhận được từ những cổ đông chiến lược, Tiki liên tục mở rộng kinh doanh bằng việc xây dựng danh mục hàng hóa từ đồ dân dụng, thời trang, đồ công nghệ, cho tới sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp... Thị phần trong lĩnh vực thương mại điện tử của Tiki liên tục gia tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên, trong cuộc chơi thương mại điện tử hiện nay thì mức độ thành công đồng nghĩa với việc phải lỗ nhiều hơn.
Câu chuyện của Tiki, phần nào phản ánh bức tranh chung của ngành thương mại điện tử. Cũng như các đơn vị khác, trang thương mại điện tử này đang phải vật lộn trong cuộc chiến "đốt tiền" để giành giật thị phần, dẫn đến hoạt động kinh doanh không đủ bù đắp chi phí bỏ ra. Đây cũng là điều dễ hiểu khi thương mại điện tử đang trở thành một ngành kinh doanh có tốc độ tăng trưởng cao, việc đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần là mục tiêu không chỉ riêng của Tiki.
Bản thân điều này cũng là điểm khác biệt so với những doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thống. Thông thường các doanh nghiệp có lợi nhuận càng tốt càng được định giá cao, nhưng khi đầu tư vào các công ty công nghệ, đặc biệt là những startup, nhà đầu tư thường nhìn vào thị phần, tốc độ tăng trưởng doanh thu mà không mấy quan tâm đến con số lợi nhuận. Momo, Foody, Giaohangnhanh... cũng ghi nhận con số lỗ lũy kế gấp nhiều lần vốn. Dù vậy, những công ty này vẫn được định giá cao ngất ngưởng.
Với mức lỗ 323 tỷ đồng trong 2 năm vừa qua, Tiki đã "nướng" gần hết số tiền mà VNG bơm vào. Tuy nhiên, với những kết quả khả quan đạt được trong thời gian qua, đầu năm 2018, trang thương mại điện tử này tiếp tục được "bơm" thêm khoảng 44 triệu USD tương đương gần 1.000 tỷ đồng từ tập đoàn JD.com của Trung Quốc cũng như một số nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Theo đăng ký doanh nghiệp mới thay đổi đầu tháng 4/2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Tiki tăng lên hơn 40,6%, so với mức 13,08% trước đó. Danh sách cổ đông nước ngoài tăng từ 2 lên 9 nhà đầu tư, với JD và Sumitomo là hai cái tên đứng đầu với sở hữu lần lượt 22,1% và 7,32%.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]