Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Sau phiên tòa kéo dài 2 giờ đồng hồ, thẩm phán Loretta Preska thuộc Tòa án địa hạt ở New York, tuyên bố theo đạo luật năm 1986 về thông tin liên lạc điện tử, lệnh yêu cầu Microsoft cung cấp bất kỳ nào dữ liệu thư điện tử nào nằm trong quyền kiểm soát của công ty này, bất kể thông tin được lưu trữ ở địa điểm nào, là hợp pháp. Tuy nhiên, thẩm phán Preska cũng tuyên bố sẵn sàng tạm đình chỉ việc thực thi phán quyết của mình để Microsoft có thể đưa vụ việc lên tòa án phúc thẩm.
Ngay sau phán quyết trên, trưởng nhóm luật sư của Microsoft, Brad Smith khẳng định sẽ tiếp tục kháng cáo. Trong văn bản đệ trình tòa án ngày 16/6, Microsoft phản đối lệnh của các công tố Mỹ hồi tháng 12/2013 yêu cầu hãng này cung cấp các bản sao thư điện tử lưu giữ trong các máy chủ ở thủ đô Dublin của Ireland để phục vụ công tác điều tra.
Theo Microsoft, việc làm của Chính phủ Mỹ làm xói mòn lòng tin của người sử dụng Internet và làm lung lay vị thế dẫn đầu của ngành công nghệ Mỹ trên toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên một công ty của Mỹ đâm đơn phản đối lệnh của nhà chức trách nước này yêu cầu cung cấp thông tin lưu trữ ở nước ngoài. Hành động của Microsoft đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tập đoàn công nghệ khác như Apple, Verizon Communications, AT&T và Cisco System.
Các hãng này cho rằng việc Chính phủ Mỹ buộc họ phải trao lại các dữ liệu lưu trữ của khách hàng là vi phạm luật bí mật riêng tư, ngoài ra họ có thể thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu nếu thư điện tử và các dữ liệu cá nhân của người dùng lưu giữ bên ngoài nước Mỹ trở thành mục tiêu do thám của chính quyền.
Trong một sự kiện có liên quan, ngày 31/7, mạng xã hội khổng lồ Twitter thông báo lượng yêu cầu của các chính phủ muốn được cung cấp dữ liệu khách hàng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2014.
Theo báo cáo minh bạch của Twitter, số lượng các yêu cầu cung cấp dữ liệu từ các chính phủ tăng 46% so với nửa cuối năm 2013, lên 2.058 lệnh; trong đó, Chính phủ Mỹ đứng đầu danh sách với 1.257 lệnh, chiếm 72% tổng số, bỏ xa nước thứ hai là Nhật Bản với 192 yêu cầu. Tuy nhiên, Twitter cho biết không được phép tiết lộ chi tiết về các yêu cầu của giới chức Mỹ theo quy định của luật pháp.
Ngoài các lệnh yêu cầu cung cấp thông tin, Twitter cũng thông báo đã nhận được 432 yêu cầu gỡ bỏ các bình luận cũng như khoảng 9.200 thông báo nhắc nhở gỡ bỏ các bài đăng do vấn đề bản quyền./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]