Hiện nay tạị thành phố, nhu cầu người giúp việc ngày càng cao, trong khi lượng lao động này đang trong tình trạng “cung” không đủ “cầu” nên lương trả hàng tháng ngày một tăng.
Chị Hạnh Trang (Nhân Mỹ, Mỹ Đình) cho hay, lương giúp việc hiện dao động từ 3 - 4 triệu/tháng, có khi cao hơn tùy nhu cầu từng gia đình, chưa tính chi phí ăn uống, sinh hoạt phải bao trọn gói, trong khi đi làm với đủ thứ áp lực thì cuối tháng nhận lương chỉ được 3,5 triệu. Lương không đủ trả giúp việc nên chị Trang đành nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình.
Tâm sự trên không phải của riêng chị Trang mà của chung rất nhiều chị em phụ nữ có gia đình. Kinh tế khó khăn, kéo theo nhiều công ty, tổ chức giảm nhân sự vì không đủ tiền trả lương, hoặc mức lương có thấp hơn so với trước, trong khi người giúp việc thì đòi hỏi lương ngày một cao lên do nhu cầu xã hội ngày càng lớn. Nhất là sau Tết, người giúp việc tha hồ hét giá, có gia đình trả lương giúp việc tới 5 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê, năm 2012, mức lương giúp việc gia đình tại Hà Nội trung bình khoảng 2,8 triệu đồng/tháng. Mức này cao hơn lương của cử nhân đại học mới ra trường (khoảng 2 triệu đồng) và thu nhập bình quân của người dân sống tại khu vực nông thôn của Hà Nội (khoảng 1,4 triệu đồng/tháng).
Vì thế mức lương 3 đến 5 triệu đồng/tháng của người giúp việc là con số mơ ước của nhiều các cử nhân bắt đầu “chân ướt chân ráo” đi làm.
Bạn Nguyễn Ngọc Trung, nhân viên một công ty nhà nước chia sẻ: “Lương công chức mới ra trường 2 năm khoảng 3 triệu đồng và không có thêm bất cứ một khoản thu nhập nào khác, mức lương này thì cũng chỉ đủ tiền xăng, tiền tiền điện thoại chưa tính đến các khoản chi phí sinh hoạt khác như thuê nhà, tiền ăn tăng lên từng ngày…đi làm cả tháng, đúng là không bằng lương của một người giúp việc nhà”.
Chị Vũ Hạnh Lê (Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân Trung, Hà Nội) cho biết, gia đình chị thuê giúp việc với mức lương cố định 4 triệu đồng/tháng, 2 tháng một lần giúp việc về quê chị phải lo tiền quà, tiền xe và trong lòng nơ nớp lo người giúp việc về không lên nữa hoặc bỏ việc đột xuất sang nhà trả lương cao hơn lại phải tìm người mới.
Cũng theo chị Lê: “Giúp việc nhận đều 3 hoặc 4 triệu tiền lương mỗi tháng, trong khi mọi chi phí sinh hoạt khác thì nhà chủ phải lo cho hết, cuối tháng lương vẫn còn nguyên. Nhiều người đi làm cuối tháng chưa chắc có đủ 3 hay 4 triệu cần trên tay. Như thế, thu nhập người giúp việc cao hơn rất nhiều với công nhân viên chức rồi”.
Trong khi nhiều cử nhân, lao động có trình độ đang dư thừa, khó tìm được việc làm, ngược lại giúp việc là nghề lúc nào cũng “nóng”. Với mức lương không hề thấp, không cần trình độ cao, nhiều phụ nữ, thanh niên nông thôn đang kéo ra các thành phố đi làm giúp việc và trở thành lao động có nguồn thu nhập chính của gia đình.
Bên cạnh giúp việc thuê cố định theo tháng thì còn có giúp việc thuê theo giờ với thù lao khoảng 100.000 - 120.000 đồng/giờ, những lao động này trung bình một tháng thu nhập lên đến 7 - 8 triệu/tháng.
Thậm chí, những người được thuê chăm bệnh nhân tại các bênh viện khi con cái họ không có thời gian chăm sóc người thân nằm viện thì mức thu nhập có thể vài trăm ngàn trên ngày. Chị Nguyễn Thị Hảo, quê Nam Định làm nghề buôn bán đồng nát và giúp việc theo giờ cho biết: “E dọn nhà theo giờ, dọn ngày thường giá khoảng 100.000 đồng/giờ, Tết có giá cao hơn khoảng 120.000 đồng/giờ. Mỗi ngày, ngoài thời gian thu mua đồng nát em dọn cho khoảng 2 đến 3 nhà, nếu làm sạch sẽ, cẩn thận thì chủ nhà còn thưởng thêm”. Vậy với mức thu nhập trung bình 200.000 - 300.000 đồng /ngày thì có thể nói, giúp việc theo giờ thuộc mức thu nhập “ khủng”.
Với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng/ tháng hoặc cao hơn thì mức thu nhập của người giúp việc khiến cho nhiều cử nhân đại học, có khi cả những thạc sĩ, công nhân viên chức phải chạy dài mới theo kịp.
Theo Anh Sa - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]