Dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Một số đại biểu còn băn khoăn về tình trạng thiếu minh bạch của các DN VN nói chung, DNNN nói riêng. Đã có đại biểu cho rằng, Luật DN sửa đổi cần có những quy định buộc các DN cổ phần, DNNN phải công khai, minh bạch như đối với các DN đại chúng, DN đang niêm yết tại thị trường chứng khoán.
Tình trạng thiếu minh bạch từ tài chính đến hoạt động của các DN VN thời gian qua đã được nhiều chuyên gia và DN nước ngoài cảnh báo. Điều này ảnh hướng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh cũng như nàn nòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi muốn bỏ vốn vào các DN VN. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, Luật DN sửa đổi khó có thể giúp các DN minh bạch như kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), việc Luật DN sửa đổi có quy định buộc các DNNN phải công khai minh bạch như các DN đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán là hoàn toàn khả thi. Quy định này sẽ có lợi cho các DNNN, có lợi cho cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý phần vốn nhà nước và công tác giám sát DNNN nói chung.
Tuy nhiên, đối với các Cty cổ phần không niêm yết trên sàn chứng khoán thì quy định buộc phải công khai, minh bạch là khó khả thi. Trước tiên, về vấn đề chi phí, muốn công khai minh bạch thì phải mất nhiều chi phí. Không phải quy mô DN cổ phần nào cũng có thể đáp ứng được những chi phí cho việc công khai minh bạch như DN đại chúng.
Đáng lưu ý hơn là cơ chế hoạt động của cả bộ máy nhà nước và sự vận hành của nền kinh tế nói chung. Những chi phí không chính thức hay còn gọi là chi phí “gầm bàn” đang là một trở ngại lớn cho việc công khai minh bạch của các DN. Theo ông Đậu Anh Tuấn, điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số PCI) của VCCI những năm qua đã chỉ ra, chi phí không chính thức ngày càng giảm xuống nhưng vẫn còn khá lớn. Liệu có DN nào giám công khai những khoản chi phí không chính thức đó không?
Sự công khai minh bạch của DN liên quan chặt chẽ đến sự vận mành của bộ máy nhà nước, cơ chế điều hành của một nền kinh tế. Chỉ khi nào văn hóa “lại quả”, chi “hoa hồng” cho các dự án sử dụng ngân sách, văn hóa “phong bì” không còn ngự trị thì lúc đó câu chuyện về công khai, minh bạch đối với các DN VN nói chung mới có hi vọng được giải quyết tận gốc.
Dự thảo Luật DN sửa đổi đang được Ban soạn thảo tổ chức hội thảo và lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện. Bước đột phá đáng ghi nhận của dự thảo lần này là việc tạo điều kiện rất cởi mở để DN gia nhập thị trường. Tuy nhiên, kì vọng vào việc dự thảo Luật DN sửa đổi sẽ có đột phá về mặt giúp các DN công khai, minh bạch của nhiều đại biểu và người dân chắc sẽ khó đạt được. Đây là vấn đề khó có thể giải quyết bằng một bộ luật.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]