Dưới đây là những câu chuyện "cười ra nước mắt" mà PV báo Đời sống và Pháp luật ghi nhận được trong lĩnh vực này thời gian qua.
Scandal đấu thầu giá thuốc từng gây xôn xao dư luận (ảnh minh họa).
Muốn dự thầu, doanh nghiệp phải có... "hai giáo sư"
Cách đây không lâu, nghe tin một cơ quan Nhà nước ở tỉnh A đang cần mua một khối lượng thiết bị giáo dục lớn, sắp tới sẽ tổ chức đấu thầu, nhiều doanh nghiệp đổ xô đến mua hồ sơ mời thầu. Đây không phải là lần đầu tiên đơn vị này mở thầu, nên những doanh nghiệp nào trúng thầu trước đó xem ra có vẻ chiếm ưu thế vì đã "sẵn lối, tỏ đường". Trái lại, với doanh nghiệp chậm chân đến sau, chỉ nhìn vào những quy định (tiêu chí cho người tham gia dự thầu) do chủ đầu tư đề ra, cũng đủ phát ốm mà từ bỏ cuộc chơi.
Theo phản ánh của một doanh nghiệp ở Hà Nội, chủ đầu tư yêu cầu doanh nghiệp tham gia dự thầu ít nhất phải có 2 giáo sư và diện tích nhà xưởng phải trên 2.000m2... "Kinh doanh thương mại cần gì phải sử dụng lao động có học thức cao như giáo sư. Hơn nữa, không cần thiết phải có nhà xưởng rộng đến 2.000m2. Rõ ràng chủ đầu tư đã vẽ ra rào cản để loại chúng tôi khỏi cuộc chơi", một nữ giám đốc bức xúc phản ánh với PV báo ĐS&PL.
Để tìm hiểu rõ sự việc, PV báo ĐS&PL đã đọc đi đọc lại luật Đấu thầu năm 2005 và các văn bản hướng dẫn liên quan, nhưng vẫn không tài nào tìm ra chế tài cấm chủ đầu tư, bên mời thầu đưa ra những quy định không thực tế (rào cản) hạn chế nhà thầu tham gia đấu thầu. Chỉ vì những "rào cản" lách luật chẳng giống ai của chủ đầu tư, khiến nhà thầu có tiềm năng không có cơ hội tham gia đấu thầu một cách quang minh, chính đại.
Đe dọa, khủng bố người đấu thầu
Những ngày giáp Tết vừa qua, chúng tôi tiếp nhận một trường hợp có dấu hiệu tiêu cực về đấu thầu xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Phản ánh bức xúc đến báo chí, một doanh nhân cho biết: Qua nhiều nguồn tin, doanh nghiệp biết thông tin một đơn vị Nhà nước sắp tổ chức bán đấu giá một ngôi nhà có địa thế mặt đường rất đẹp ở Hà Nội. Theo tính toán của doanh nghiệp, giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Chính vì vậy, doanh nghiệp rất hồ hởi tham gia mua hồ sơ mời thầu và quyết tâm tham dự đấu thầu một cách công khai, minh bạch.
Đúng hẹn, doanh nghiệp mang hồ sơ mời thầu đến nộp, nhưng bị một số đối tượng lạ mặt cản trở ngay phía ngoài trụ sở nơi nhận hồ sơ. Sự việc không dừng lại ở đây, người tham gia đấu thầu còn bị khủng bố đe dọa bằng tin nhắn...?! Nhận thức rằng quyền tham gia đấu thầu được pháp luật bảo vệ nhưng đang bị xâm phạm nghiêm trọng, doanh nghiệp chỉ còn biết kêu cứu đến các cơ quan chức năng, trong đó có báo chí. Hiện các cơ quan chức năng đang xem xét, làm sáng tỏ sự vụ. Qua đây cho thấy một điều, ở đâu có đấu thầu mua bán giá hời, y như rằng sẽ tiềm ẩn tiêu cực đằng sau nó.
Nhiều “chiêu độc” loại người chơi khỏi cuộc “đọ công khai”?! (Hình minh hoạ)
Qua một đồng nghiệp, chúng tôi biết được một câu chuyện liên quan đến đấu thầu bất động sản, nhưng có nội dung ngược lại. Chuyện rằng, tại một huyện ven đô Hà Nội có tổ chức đấu thầu một khu đất lớn cho người nào có nhu cầu sử dụng đất đai trong một thời gian dài. Nghe dư luận bàn tán, miếng đất ngon lành đó đã có người "chọn mặt, gửi vàng", còn chuyện đấu thầu chỉ là hình thức cho đầy đủ thủ tục pháp lý...?! Biết vậy nhưng vẫn có người đến mua hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên họ khó có thể tiếp cận được hồ sơ mời thầu vì người bán hồ sơ bận việc, đi vắng dài ngày...? Trong khi đó, thời gian mở thầu ngày càng đến gần. Chỉ đến lúc thông tin bất minh nói trên được đưa lên báo chí, những người liên quan mới giật mình vì việc làm tắc trách của họ đã bị lộ.
Nhà thầu "khóc" vì bị... "chơi khó"
Mới đây nhất, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải sự vụ một doanh nghiệp tham dự gói thầu "hệ thống thoát nước và trạm xử lý nước thải khu du lịch Đại Lải" thuộc thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị về những "rào cản" mình gặp phải. Theo đó, gói thầu trị giá 17 tỷ đồng, chủ đầu tư là ban quản lý dự án khu du lịch Đại Lải, trực thuộc UBND thị xã Phúc Yên.
Theo phản ánh trên báo chí, trong hồ sơ mời thầu có nhiều nội dung khắt khe rất khó hiểu, nhằm hạn chế nhà thầu tham gia đấu thầu? Chẳng hạn, hồ sơ mời thầu nêu các chi tiết chỉ số, thông số kỹ thuật, kích thước hình học vỏ và chân máy, tần suất, công năng, dải hoạt động của một chiếc máy có chức năng đo và điều khiển phòng hóa chất. Song trong hồ sơ mời thầu không nêu chính xác tên, nhãn hiệu loại máy. Điều này đồng nghĩa với việc tạo thuận lợi cho nhà thầu là nhà phân phối độc quyền loại máy có các thông số kỹ thuật miêu tả nói trên, hoặc có quan hệ mật thiết với doanh nghiệp phân phối độc quyền.
Sau một thời gian nghiên cứu, nhà thầu tìm hiểu các thông số kỹ thuật mô tả trong hồ sơ mời thầu, đối chiếu với các loại máy trên thị trường và xác định các thông số kỹ thuật chỉ có ở chiếc máy mang nhãn hiệu Fluke 1620A, trị giá khoảng 90 triệu đồng. Theo phản ánh của doanh nghiệp, điều đáng nói, đơn vị độc quyền phân phối loại máy này đã cấp cho một đơn vị chào thầu gói thầu nói trên và không thể cấp tiếp cho đơn vị khác được...?!
Thực tế cho thấy, ngoài chiếc máy nhãn hiệu Fluke 1620A, thì còn rất nhiều loại máy có chức năng đo và điều khiển phòng hóa chất của các hãng khác nhau có giá cả, chất lượng tương đương, thậm chí còn tốt hơn. Nhưng vì sao chủ đầu tư chỉ đưa nội dung mời thầu như trên đã nói? Rõ ràng những quy định khắt khe đó ít nhiều hạn chế sự tham gia của các nhà thầu tham gia đấu thầu. Trong khi đó, tinh thần của các cuộc đấu thầu là công khai, minh bạch, thu hút càng nhiều nhà thầu tham gia càng tốt. Bởi mục tiêu của đấu thầu là chủ đầu tư dự án được cung cấp thiết bị, máy móc đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra, đảm bảo công năng sử dụng và tiết kiệm chi phí trong đầu tư (tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước). Chính vì vậy, doanh nghiệp thắc mắc việc chủ đầu tư đưa ra một loại máy có giá trị rất nhỏ so với giá trị dự án để làm điều kiện then chốt trong chọn nhà thầu cũng là điều dễ hiểu.
"Chặt chém" để bù vào giá "chào thầu" thấp?!
Một "độc chiêu" khác là sau khi dự án vận hành, đến lúc thay thế phụ tùng, vật tư thì các nhà thầu này nâng giá đồ thay thế. Những vật tư, thiết bị này đều là "của độc" vì thiết kế không giống ai, không thể mua của nhà cung cấp khác. Thế là họ quay ra "chặt chém" để bù vào giá chào thấp. Đó là chưa kể, nhà thầu nước ngoài rất khôn khéo khi đưa vào hồ sơ thầu các điều khoản không rõ ràng về khối lượng công việc, giá cả. Sau khi trúng thầu, họ tìm cách "hất chân" nhà thầu phụ Việt Nam bằng cách đưa ra giá rẻ mạt, thấp hơn giá thành.
Theo Anh Tuấn - Anh Văn - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]