Cụ thể thông tin tại Hội thảo cho biết, ở Việt Nam chỉ khoảng một phần ba số lao động có việc làm được hưởng lương – thu nhập chính của họ. Tỷ lệ này khá thấp so với trung bình trên thế giới (khoảng hơn 50%).
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ở Việt Nam sẽ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này với thế giới bởi tỷ lệ lao động làm công ăn lương trên tổng số lao động có việc làm được dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Năm 2013, số lao động làm công ăn lương chiếm 34,8% tổng số lao động có việc làm, tăng đáng kể so với mức 16,8% của năm 1996.
Ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có mức thu nhập cao nhất
Theo thống kê Bộ Lao động Thương binh – Xã hội và Hội đồng tiền lương Quốc gia, ngành nông nghiệp chiếm khoảng một nửa lực lượng lao động nhưng tỷ lệ lao động làm công ăn lương của ngành này chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số lao động làm công ăn lương ở Việt Nam.
Điều tra lực lượng lao động năm 2013 cho thấy, lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản cũng thuộc nhóm lao động có mức lương bình quân hàng tháng thấp nhất (2,62 triệu đồng/tháng) trong khi lao động ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức lương cao nhất 7,23 triệu đồng/tháng.
Ngành hoạt động chuyên môn, khoa học, chuyên môn và ngành kinh doanh bất động sản cũng nằm trong nhóm có mức lương bình quân hàng tháng cao nhất, tương tướng 6,53 triệu đồng/tháng và 6,4 triệu đồng/tháng.
Về chênh lệnh lương theo giới ở Việt Nam, tỷ lệ này chưa đến 10% nhưng đối với ngành nông nghiệp – ngành có mức lương rất thấp, con số này là 32% (mức chênh lệch lớn nhất so với tất cả các ngành).
Tuy nhiên, trong hai ngành có mức lương cao nhất (tài chính, ngân hàng và bảo hiểm và ngành khoa học, công nghệ) lao động nữ lại được trả lương cao hơn nam giới (tương ứng là 3,4% và 1,4%).
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]