Lãi thật lỗ giả
Trong bài nghiên cứu “Thực trang về cấu trúc vốn đầu tư và đóng góp của các loại hình doanh nghiệp”, hai tác giả Bùi Trinh và Nguyễn Huy Minh đưa ra nhận định, Việt Nam đang trở thành quốc gia có nền công nghiệp gia công toàn diện.
Cụ thể, nếu giai đoạn 2000-2005 tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất là 53%, giai đoạn 2006-2010 là 63%, thì giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ này đã là 72%.
Tuy GDP có tăng trưởng nhưng tỷ lệ tổng thu nhập quốc gia (GNI) trên GDP ngày càng doãng ra và lượng tiền từ chi trả sở hữu thuần chảy ra nước ngoài ngày càng tăng. Tỷ lệ này tăng khoảng 26 lần vào năm 2012 so với năm 2000, lượng tiền từ chi trả sở hữu thuần chảy ra nước ngoài chủ yếu do các doanh nghiệp FDI chuyển về quốc gia của công ty mẹ.
Hai vị chuyên gia này dẫn số liệu thống kê cho thấy, hiệu quả đầu tư của tất cả các thành phần sở hữu đều giảm sút, giảm sút mạnh nhất về hiệu quả đầu tư là khu vực FDI, việc giảm sút này nguyên nhân chính do báo cáo lỗ giả nhưng lãi thật (chuyển giá) và phần giá trị gia tăng của khu vực này cơ bản là gia công nên hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp.
Ngoài ra, thông qua chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp cho thấy khu vực kinh tế Nhà nước là khu vực có chuyển giao công nghệ nhiều nhất trong 3 khu vực sở hữu, giai đoan 2000-2006 đóng góp của TFP vào tăng trưởng chung của cả nước 22,6% thì trong đó đóng góp của khu vực kinh tế Nhà nước cao hơn mức bình quân chung (23,7%), trong khi khu vực ngoài Nhà nước khoảng 18% và khu vực FDI đóng góp vào tăng trưởng thậm chí âm.
“Như vậy, có thể thấy về thực chất cho đến nay khu vực ngoài Nhà nước làm ăn manh mún, chậm thay đổi và khu vực FDI về bản chất không đưa công nghệ mới hoặc chỉ đưa công nghệ cũ vào sản xuất. Về cơ bản, khu vực FDI đang lợi dụng các ưu đãi của Việt Nam về chính sách thuế, đất đai và lợi dụng nhân công giá rẻ và chuyển giá trốn thuế” – hai vị chuyên gia nhận định.
Học Singapore về quan điểm đầu tư nước ngoài
Đóng góp ý kiến tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 diễn ra chiều ngày 21/4, GS Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương dẫn chứng, hiện nay xuất khẩu của Việt Nam có tới gần 70% là FDI. Trong khi đó, khối FDI chỉ mang lợi nhuận về chứ không để lại Việt Nam.
Theo GS Lược, nếu cứ đưa ra chủ trương nhưng không quyết liệt thì hiệu quả sẽ rất thấp, Việt Nam có nguy cơ biến thành nền kinh tế FDI.
“Khi chúng tôi sang Singapore làm việc, ông Lý Quang Diệu từng cho biết, đối với Singapore, chỉ có Mỹ hay châu Âu đầu tư vào mới được coi là đầu tư nước ngoài và được hưởng ưu đãi. Còn lại không phải là đầu tư nước ngoài, kể cả Nhật Bản. Trong khi Việt Nam lại coi tất cả là đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp ở đâu đến cũng ưu đãi, công nghệ thế nào cũng ưu đãi” - ông Lược nói.
Đồng thời, ông Lược cũng cho rằng, cần phải xem lại Luật đầu tư nước ngoài, chẳng hạn doanh nghiệp FDI muốn được hưởng ưu đãi tại Việt Nam phải cam kết nội địa hóa, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Có ngày FDI sẽ bỏ đi?
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, có thể số lượng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam không nhiều nhưng thực sự, nhiều cơ chế ưu đãi đã thay đổi sâu sắc.
“Doanh nghiệp FDI đưa những gì vào, những cái họ đưa vào có làm thay đổi bộ mặt của Việt Nam hay không? Ở trạng thái tĩnh, họ mới chỉ đưa vào lắp ráp gia công” – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định.
Ông Thiên cũng cho rằng, điểm khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc đó là việc người Việt toàn sang Trung Quốc “cõng hàng” về để trong nước khỏi sản xuất; còn người Trung Quốc thì sang Việt Nam để cõng nguyên liệu, phụ liệu về cho trong nước sản xuất.
Cũng bình luận về kinh tế vĩ mô, một trong những cảnh báo được nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển lưu ý tại tham luận gửi đến Diễn đàn, là nhập siêu từ thị trường Trung Quốc đang ngày càng lớn.
"Đầu vào các ngành sản xuất nước ta ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Phải biết tận dụng sự phát triển của Trung Quốc, nhưng phải tạo được sự khác biệt so với Trung Quốc" - ông Tuyển bày tỏ quan điểm.
“Vấn đề càng khốc liệt khi cơ chế chủ thể thay đổi. Nguy cơ FDI đổ vào và lấn áp doanh nghiệp trong nước là hiện hữu. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không có đủ điều kiện để FDI tiếp cận thì khả năng họ bỏ đi là điều hoàn toàn có thể xảy ra” – PGS.TS Trần Đình Thiên quan ngại.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]