Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Viết Ý/TTXVN)
Vì vậy, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét đặc cách cho những mỏ này trong khi chờ làm thủ tục cấp phép mới hoặc gia hạn giấy phép khai thác, được phép khai thác ngay, thời gian đặc cách đến khi kết thúc dự án.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Hải, đóng trên địa bàn xã Thuận Hòa, huyện Đắk Song (Đắk Nông) là đơn vị cung cấp trên 40% lượng đá để làm tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Nông, đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.
Ông Nguyễn Đình Tuyến, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Hải, cho biết trước kia, mỏ đá này chỉ khai thác nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu địa phương.
Từ khi ký hợp đồng cung cấp đá cho các nhà thầu của dự án đường Hồ Chí Minh, Công ty đã huy động trên 25 tỷ đồng đầu tư thêm một hệ thống dây chuyền xay nghiền đá và thuê 70 nhân công địa phương với mức lương cao bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Song giấy phép khai thác đá của công ty hiện tại đã hết. Vì vậy, để đáp ứng tiến độ thi công của dự án đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Nông, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã có công văn 91/UBND-NN, ngày 10/1/2014, tạo điều kiện cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Hải được khai thác tạm thời trong giai đoạn hoàn tất thủ tục đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác theo luật định.
Tuy nhiên, đến tháng Năm vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Hải ngừng khai thác vì Ủy ban Nhân dân tỉnh không đủ thầm quyền cho phép khai khác tạm thời.
Trước tình hình trên, mỏ đá này phải ngừng khai thác sáu tháng thăm dò để được cấp phép theo quy định. Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nhận định nếu mỏ đá này phải dừng khai thác sáu tháng thì sang đầu năm 2015 dứt khoát tiến độ thi công bị ngưng trễ vì thiếu vật liệu.
Mỏ đá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác đá Khang Thịnh, đóng tại địa bàn huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cũng đang phải ngừng hoạt động khai thác do thời hạn khai thác đá đã hết.
Đây là mỏ đá cung cấp khoảng 50% vật liệu cho các gói thầu dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cây Chanh-Cầu 38 (qua tỉnh Bình Phước), cũng giống như nhiều mỏ đá khác, công ty đã làm đầy đủ thủ tục xin được khai thác tiếp, nhưng theo quy định thời gian thăm dò trữ lượng phải mất khoảng sáu tháng, chưa kể thời gian làm các thủ tục liên quan khác. Như vậy, việc dừng khai thác của công ty này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cây Chanh-Cầu 38.
Trong chuyến kiểm tra thực địa mới nhất, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, cho biết trước tình hình các mỏ đá đang gặp khó khăn như vậy, Ban quản lý dự án đã chủ động hỗ trợ và tham gia cùng tháo gỡ khó khăn cho các mỏ đá.
Tây Nguyên hiện đang vào đầu mùa mưa, việc thiếu đá ảnh hưởng chưa nhiều đến công trình. Tuy nhiên, đến đầu mùa khô năm 2014, đồng loạt các gói thầu trên toàn tuyến đua nhau đẩy nhanh tiến độ, để thông tuyến vào cuối năm 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ thì tình trạng thiếu vật liêu đá khó có thể tránh khỏi.
Ngay từ bây giờ và trong suốt mùa mưa, các mỏ đá không những phải hoạt động hết công suất mà các nhà thầu còn phải chủ động tìm bãi chứa để tập kết vật liệu. Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang phải phối hợp cùng các tỉnh tìm hướng tháo gỡ, yêu cầu các nhà thầu tìm bãi để dự trữ vật liệu.
Các nhà thầu cũng phản ánh, do việc khó khăn tìm nguồn nguyên liệu đá nên vừa qua đã có hiện tượng tăng giá tại một số mỏ. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh yêu cầu các chủ đá phải cam kết bán đá cho các nhà thầu theo quy định của Nhà nước, nếu mỏ đá nào tự ý tăng giá sẽ bị xử lý./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]