Việt Nam và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết trước đây thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950. Đến 1991, Liên bang Nga ra đời. Từ lúc này, thể chế cũng được thay đổi cơ bản, khoảng 40 văn bản liên Chính phủ, liên ngành được ra đời, vậy mà sự hợp tác vẫn chưa được như mong muốn. Nổi bật hơn cả có lẽ cũng chỉ là hợp tác ở lĩnh vực khai thác dầu khí.
Nga hiện đứng thứ 18/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 93 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD mà lớn nhất là Liên doanh dầu khí Vietsovpetro (Việt Nam nắm 51% cổ phần, Nga nắm 49% ). Con số đó đã nói lên nhiều điều bởi Nga có khá nhiều thế mạnh nổi trội như lĩnh vực khai khoáng, dầu khí, năng lượng, luyện kim, vũ trụ... mà chúng ta chưa hợp tác.
Đã tới lúc Việt Nam cần một bước đột phá mạnh mẽ hơn mà trước hết hai bên cần phải rà soát, đánh giá toàn diện tiềm năng của hai nước, hoàn thiện cơ chế để cải tiến, nâng cao hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó cũng nên tìm hiểu xem vì sao Nga đầu tư vào Việt Nam quá khó. Ngay như ở lĩnh vực được coi là thế mạnh của Nga như nhiệt điện, doanh nghiệp Nga cũng vô cùng chật vật mới trúng nổi thầu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký bản ghi nhớ. Ảnh: Chinhphu.vn
Trong suốt 3 năm qua, Tập đoàn Năng lượng của Nga Power Machines và các đối tác liên tục đi lại thương thảo với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về dự án nhiệt điện Long Phú 1 tại Sóc Trăng. Dự án này được Tổng thống Nga Putin, người mà mới đây đã cứu Syria khỏi chiến tranh tàn khốc liên tục ủng hộ.
Nga thuyết phục phía Việt Nam bằng kinh nghiệm nhiệt điện lâu năm của mình (thành lập 1857), bằng trình độ kỹ thuật cao và khả năng thu xếp vốn khổng lồ và có ưu đãi cho phía Việt Nam. Song, Nga vấp phải khó khăn khi người Trung Quốc rất biết cách thương thảo và thuyết phục người Việt Nam.
GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, Viện sĩ Thông tấn, hiện là giảng viên Đại học Năng lượng Matxcơva khi được hỏi cũng ngậm ngùi: "Các nhà đầu tư của Việt Nam thường xuyên chọn các nhà thầu Trung Quốc đơn thuần chỉ vì giá rẻ mà chưa tính đến nhiều hệ lụy cả về kỹ thuật, sử dụng và bảo hành các thiết bị, cũng như các giá trị kinh tế cuối cùng".
Cũng theo ông, sử dụng các nhà thầu Trung Quốc và các thiết bị do Trung Quốc sản xuất từ nhiều năm qua trong các ngành năng lượng cũng là vấn đề rất đáng quan ngại, vì có thể ảnh hưởng tới an ninh năng lượng, nền kinh tế và hơn thế. "Vấn đề này tồn tại rất rõ và đáng lo ngại nhưng nhà chức trách và cả các chuyên gia của Việt Nam đều thờ ơ. Vì vậy, vấn đề này cần phải có thống kê, nghiên cứu đầy đủ và được công luận và xã hội biết đến", ông nói thêm.
Một triển vọng mới trong sự hợp tác?
Cách đây mấy chục năm, Liên Hiệp các Xí nghiệp Dầu khí Việt Nam (thuộc Tổng cục Dầu khí ), nay là PVN đã phải đắn đo lựa chọn ai là đối tác cho khai thác dầu khí tại Biển Đông. Khi đó, Nga đã thể hiện rất rõ mong muốn cùng hợp tác khai thác dầu khí ngoài Biển Đông.
Các vị lãnh đạo ngày ấy chắc phải suy nghĩ và có tầm nhìn chiến lược tới nhường nào khi quyết định ai là đối tác trên biển Đông trong lĩnh vực hợp tác khai thác dầu khí. Và cuối cùng, Nga được Việt Nam lựa chọn. Với quyết định có tính lịch sử này, PVN đã đưa Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu xăng dầu thành xuất khẩu dầu thô và khoản nộp ngân sách hằng năm bằng 20 - 25% GDP cả nước. Tại Việt Nam lúc này, nói đến dầu khí là nói đến sự giàu có, thành đạt và là điểm tựa cho sự trường tồn của một đất nước có nguồn tài nguyên quý giá ít nước có được.
Những ngày vừa qua, cuối cùng thì PVN đã chọn Nga là đối tác thực hiện dự án nhiệt điện Long Phú 1 với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD. Hy vọng đây sẽ là cú huých mạnh mẽ cho sự hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa hai nước sau một thời gian dài tốc độ đầu tư của Nga vào Việt Nam chưa thực sự tương xứng với tiềm năng mỗi nước.
PVN đã phải rất vất vả giải trình , thuyết phục những người có trách nhiệm và chứng minh rằng Nga, với kinh nghiệm sản xuất máy móc cho nhiệt điện từ năm 1857 sẽ phải tốt hơn kinh nghiệm sản xuất của Trung Quốc (mới có sản phẩm từ năm 1992) và tổ máy chạy những 83 ngày thì tất nhiên phải tốt hơn là tổ máy mới chạy có 12 ngày đã phải dừng để cạo sỉ than (tại Uông Bí , Quảng Ninh ) với cùng một loại than rất xấu.
Tới đây, khi Tổng thống Nga Putin sang thăm Việt Nam, dự án Long Phú 1 rất có thể được đề cập như một lời cám ơn và cũng xem như ví dụ cho sự chật vật của các nhà đầu tư Nga đến được với Việt Nam.
Bằng quyết định này, PVN sẽ biến miền Nam từ nơi thiếu điện thành nơi có đủ điện để dùng và cả xuất khẩu. Khi nhà máy này hoạt động, người dân sẽ có điều kiện để phát triển kinh tế tốt hơn và biết đâu, vì thế mà sẽ bớt đi cái cảnh đau lòng những cô gái Việt Nam vào TP HCM để kiểm tra thân thể trước khi sang Đài Loan, Trung Quốc lấy chồng.
Các công trình hợp tác với Nga chẳng khác nào có thêm nhiều tấm lá chắn vô hình trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng mà bất cứ quốc gia nào khi tính toán hợp tác đầu tư với đối tác, cũng cần xem nó là điều kiện cần. Với Việt Nam, Nga trở thành đối tác khai thác dầu khí trên Biển Đông là lựa chọn sáng suốt.
Theo Mạnh Phong - VnExpress
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]