Một dây chuyền may xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Trần Viêt/TTXVN)
Hội nghị có chủ đề “Tái định hình các ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp lớn Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp 2014-2016."
Theo đánh giá của các chuyên gia, những chuyển động gần đây của bối cảnh an ninh và kinh tế thế giới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là vấn đề Biển Đông đang tạo sức ép cho việc tái cơ cấu nền kinh tế và doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Mặt khác, Đông Nam Á hiện là khu vực tiềm năng, thu hút sự chú ý của thế giới, điển hình như kim ngạch xuất nhập khẩu tại ASEAN tăng trung bình 10%/năm; Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất. Lĩnh vực đầu tư FDI vào ASEAN đang tăng lên, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 15%/năm, đặc biệt là từ Nhật Bản vào các ngành xây dựng, ngân hàng, bất động sản, sản xuất chế tạo...
Việt Nam được coi là một trong những thị trường hấp dẫn nhất ASEAN với thế mạnh về năng lực xuất khẩu, lực lượng lao động cạnh tranh, điểm đến du lịch hấp dẫn.
Đánh giá về kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014-2016, tiến sỹ Vũ Minh Khương, Trường Đại học Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp, ổn định kinh tế vĩ mô được tăng cường, lợi thế lớn về chi phí lao động thấp. Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP ở mức 8% hoặc cao hơn nếu có những cải cách đột phá trong giai đoạn này. Các công ty lớn và hàng đầu Việt Nam cần điều chỉnh lại chiến lược hoạt động để tận dụng tối đa lợi thế của đất nước, thích nghi kịp với các thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế trong nước và khu vực.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chiến lược kinh doanh với khoảng 300 đại diện doanh nghiệp tham gia hội nghị, ông J.D Bindenagel, chuyên gia cao cấp về quan hệ quốc tế, thành viên Hội đồng tư tưởng Diễn đàn toàn cầu Boston cho biết chiến lược quản trị rủi ro là cần thiết để việc thu hút đầu tư, kinh doanh đạt được hiệu quả.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải thích ứng với quá trình đàm phán đa phương mới giành được lợi thế và kết quả tích cực trên thị trường quốc tế. Sự lãnh đạo tốt và linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp đối phó với những vấn đề phát sinh bất ngờ.
Đồng quan điểm, bà Nicola Connolly, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Adecco Việt Nam cho rằng thời đại thay đổi và việc làm cũng thay đổi theo, do đó nguồn nhân tài hiện nay đang có dấu hiệu khan hiếm dần. Nhằm giữ chân nhân tài, các doanh nghiệp nên cân nhắc kế hoạch chia lợi nhuận hấp dẫn, thể hiện mạnh mẽ tinh thần lãnh đạo về chiến lược đối ngoại và định vị doanh nghiệp...
Tại hội nghị, một số chuyên gia nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận thị trường toàn cầu và khu vực cần phải vượt qua thách thức về khả năng mở rộng quy mô để có thể cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp Việt có thể cân nhắc ba con đường dẫn đến tăng trưởng thông qua kiến tạo giá trị mới, tăng năng suất và năng lực cốt lõi./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]