Ngành hàng không Việt Nam có 3 doanh nghiệp chủ chốt là Tổng Công ty hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines, đảm nhiệm việc vận chuyển hàng không; Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV, quản lý các sân bay dân dụng và Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam – VATM, quản lý hoạt động không lưu.
Dù có liên quan mật thiết với nhau nhưng đây là 3 doanh nghiệp độc lập, nằm dưới sự quản lý của Bộ Giao thông Vận tải. ACV là đơn vị hiện đang quản lý và khai thác tất cả 22 sân bay dân dụng tại Việt Nam.
ACV chính thức được thành lập vào đầu năm 2012 khi Bộ Giao thông vận tải quyết định hợp nhất tổng công ty Cảng hàng không Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam nhằm tập trung nguồn lực và giải bài toàn nguồn vốn.
Lãi lớn nhờ chênh lệch tỷ giá
Do đặc thù kinh doanh, doanh thu của các dịch vụ dưới mặt đất như sân bay, không lưu nhỏ hơn rất nhiều so với doanh thu của các hãng hàng không như Vietnam Airlines hay Vietjet.
Đơn cử như năm 2014 Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 72.000 tỷ trong khi doanh thu của ACV chỉ đạt xấp xỉ 8.000 tỷ.
Tuy nhiên, các dịch vụ dưới mặt đất thường có tỷ suất lợi nhuận cũng như lợi nhuận tốt hơn. Lợi nhuận trước thuế của ACV trong 2 năm 2013 và 2014 đều đạt trên 3.000 tỷ đồng trong khi đó, lợi nhuận của Vietnam Airlines chỉ ở mức 500-600 tỷ.
Bên cạnh việc có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, lợi nhuận cao của ACV còn đến từ một yếu tố quan trọng khác là lãi chênh lệch tỷ giá.
Theo báo cáo tài chính của riêng công ty mẹ ACV, lãi ròng chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện trong giai đoạn 2012-2014 lần lượt là 658 tỷ, 1.665 tỷ và 1.481 tỷ đồng – tương đương 30-50% tổng lợi nhuận hàng năm. ACV hiện chưa công bố thuyết minh chi tiết báo cáo tài chính
Nhiều khả năng khoản năng khoản lãi tỷ giá này xuất phát từ việc đồng Yên Nhật liên tục mất giá trong các năm qua – tương tự như trường hợp của Nhiệt điện Phả Lại. Nhà ga T2 sân bay Nội Bài với tổng mức đầu tư 18.000 tỷ đồng được xây dựng từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản.
Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của ACV tại thời điểm cuối năm 2014 lần lượt là 41.800 tỷ và 19.800 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt và tiền gửi tại thời điểm cuối năm đạt 13.700 tỷ đồng. Đây là con số khá lớn tuy nhiên sẽ cần phải bổ sung thêm rất nhiều nếu chủ trương xây dựng sân bay Long Thành được thông qua.
Đợt IPO được mong chờ
Đầu tháng 5/2015, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa ACV.
Một điểm mới là Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại Công ty mẹ từ 75% xuống không thấp hơn 65% theo hình thức bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào thời điểm thích hợp sau cổ phần hóa ACV.
ACV dự kiến sẽ IPO với vốn điều lệ dự kiến là 22.431 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu của ACV, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ và bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Phần còn lại sẽ bán ưu đãi 0,13% cho tổ chức công đoàn và 3,47% vốn điều lệ, tương ứng 77,8 triệu cổ phần sẽ được đấu giá công khai với giá khởi điểm dự kiến là 11.000 đồng.
Trong năm 2014, hai đơn vị thành viên của ACV là Công ty Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất – Sasco và Công ty Phục vụ Mặt đất Sài Gòn – SAGS đã IPO thành công với khối lượng đặt mua rất cao và giá đấu thành công vượt xa so với giá khởi điểm. Cụ thể, giá đấu bình quân của Sasco là 19.330 đồng còn của SAGS là 44.693 đồng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]