Chế biến thực phẩm tại công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến thực phẩm Việt Đức. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Những con số này cho thấy thực trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình việc làm, thu nhập của người lao động cũng như việc thu nộp ngân sách trên địa bàn Thủ đô.
Trước tình hình này, thành phố Hà Nội đã tổ chức những buổi gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn, lắng nghe những kiến nghị thiết thực để nhanh chóng đưa ra các giải pháp mang tính lâu dài cũng như trước mắt “giải cứu” doanh nghiệp.
Trước việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa châu Âu cho rằng, thành phố cần bảo hộ cho doanh nghiệp bằng cách đề nghị những doanh nghiệp tham gia xây dựng trên địa bàn Thủ đô nên sử dụng sản phẩm do chính doanh nghiệp Hà Nội sản xuất, trên cơ sở giá cả và chất lượng cạnh tranh.
Trong khi đó, ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty may 10 kiến nghị, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tổ chức đoàn xúc tiến thương mại đến các thị trường mới như Nam Phi, cũng như mời các đoàn quốc tế đến Việt Nam, để tăng cường hợp tác đẩy mạnh sản xuất.
Một số doanh nghiệp khác cũng cho rằng, giá thuê đất trên địa bàn thành phố còn cao, chiếm đáng kể doanh thu của doanh nghiệp, dẫn đến đội giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến việc cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Theo ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội, trong những tháng tiếp theo của năm 2014, Ngân hàng Nhà nước thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung hỗ trợ vay vốn, lãi suất tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; hỗ trợ vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất hợp lý nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Để tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội đang chủ động kết hợp với các cơ quan liên quan, các quận, huyện, hiệp hội ngành nghề để nắm bắt tháo gỡ khó khăn, nhằm xóa đi rào cản giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 2495 về hỗ trợ lãi suất đầu tư cho các doanh nghiệp. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã giải ngân được trên 6,88 tỷ đồng với hàng chục doanh nghiệp được hưởng thụ.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội còn dành 80 tỷ đồng, thí điểm hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp trên địa bàn để sản xuất kinh doanh. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Thủ đô đã được "bơm" thêm “ôxy,” tiếp sức nhờ những nguồn vốn ưu đãi lãi suất kể trên.
Khó khăn về thuế cũng đang được thành phố Hà Nội tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Đại diện ngành thuế của thành phố Hà Nội cho hay, tổng số tiền thuế gia hạn theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ là 14.658 tỷ đồng, trong đó gia hạn về thuế giá trị gia tăng đối với 13.056 doanh nghiệp với số thuế được gia hạn là 453 tỷ đồng; gia hạn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với 11.097 doanh nghiệp với số thuế được gia hạn 1.050 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành thuế thành phố cũng giảm về lệ phí trước bạ đối với 60.993 lượt xe ôtô, xe máy với số tiền giảm 2.487 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất cho 4.489 tổ chức, cá nhân với số tiền 2.218 tỷ đồng; gia hạn tiền sử dụng đất đối với 30 hồ sơ với số tiền được gia hạn là 8.450 tỷ đồng…
Cùng với đó, cuối tháng Năm, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã kết nối để 11 ngân hàng đóng trên địa bàn, bắt tay, cam kết cho các doanh nghiệp Thủ đô vay với số vốn trên 11.000 tỷ đồng, lãi suất không quá 8% với vay trung hạn; không quá 11% với dài hạn.
Một doanh nghiệp chia sẻ, số vốn này rất có ý nghĩa, tiếp sức cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.
Nhờ những ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm nay, theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội đã có thêm 3.400 doanh nghiệp thành lập mới có tham gia khai báo thuế, tăng gần 10% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp ngừng, nghỉ hoạt động giảm 5% so với cùng kỳ.
Song, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, dù tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm khoảng 6,6%, nhưng vẫn ở mức thấp so với những năm trước đây.
Trung tuần tháng Tư, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 16, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm những tháng tiếp theo của Hà Nội là cần tập trung tối đa cho việc tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp.
Thành phố đề nghị các sở, ban, ngành cần rà soát chính sách, giảm những thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp; cần tập trung các giải pháp hỗ trợ về vốn. Thông qua đó, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quan tâm đến việc làm cho người lao động.
Đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội bày tỏ, các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã từng bước đi vào cuộc sống, tuy nhiên hiệu quả không cao, chưa rõ nét, nhiều mặt hàng còn tồn kho như: vật liệu xây dựng, gốm sứ, sắt thép…
Đôi lúc, tại những đơn vị, sở, ngành liên quan, có những cán bộ còn nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp để được “bôi trơn,” dẫn đến, doanh nghiệp khó tiếp cận với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ phía thành phố đối với doanh nghiệp./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]