Theo TS Nguyễn Đức Thành, điều chỉnh tỷ giá không bao giờ là muộn. Khuyến nghị của VEPR là nên điều chỉnh tỷ giá hàng năm đều đặn và nên có 1 “biên” để không phá vỡ cấu trúc giữa VND và USD, tạo dư địa để lấy lại mức tỷ giá thấp hơn trong tương lai.
Chia sẻ với phóng viên bên lề cuộc hội thảo “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015” mới đây, TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra quan điểm về các vấn đề kinh tế vĩ mô, tỷ giá và dự trữ ngoại hối để cho vay ngân sách…
Nền kinh tế nước ta từ đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, GDP tăng cao so với dự báo của nhiều tổ chức kinh tế và cơ quan chức năng. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
TS Nguyễn Đức Thành: Trong tiến trình cải thiện kinh tế , từ năm 2013 nền kinh tế có sự phục hồi nhẹ. Chính phủ đã có sự quan tâm tương đối. Con số tăng trưởng hi vọng sẽ có những cải thiện trong hết năm nay và những năm tiếp theo.
Theo đánh giá của ông, đâu là rủi ro đối với nền kinh tế trong dài hạn?
Khuynh hướng chung của tăng trưởng là tăng nhẹ trong quỹ đạo vừa phải, không có bứt phá đột biến. Nhưng bên cạnh đó lại có nhiều rủi ro vĩ mô đi cùng có thể xuất hiện trong năm 2016 nếu không điều hành thận trọng.
Nếu Việt Nam cố gắng sử dụng các công cụ chính sách để đẩy tăng trưởng lên có thể tạo ra một môi trường vĩ mô mất cân đối. Môi trường vĩ mô hiện nay tương đối ổn định nhưng vẫn hàm chứa nhiều bất ổn như thâm hụt ngân sách cao, tỷ giá bị găm quá lâu, doanh nghiệp tư nhân, khu vực sản xuất nhỏ đang bị tổn thương… Nếu tiếp tục như vậy, đến năm 2016, có thể chúng ta sẽ phải trả giá cho sự rủi ro kinh tế vĩ mô quay trở lại.
Trong năm 2015 NHNN đã điều chỉnh tỷ giá hết 2%. Ông đánh giá thế nào về áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm?
NHNN đã đặt mục tiêu điều hành tỷ giá ở mức 2% nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc điều hành tỷ giá này NHNN hoàn toàn chủ động. Khi tình hình trong nước và thế giới có biến động, NHNN chủ động có những chính sách điều hành linh hoạt. Trong hoàn cảnh hiện nay, việc giữ ổn định tỷ giá chỉ nên mang tính chất tạm thời.
Thâm hụt ngân sách hiện nay đang ở mức tương đối cao. Nhiều ý kiến cho rằng việc lấy dự trữ ngoại hối cho vay ngân sách đang gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Ông đánh giá sao về điều này?
Phương án mà Chính phủ đưa ra nhằm mở rộng không gian về chính sách cho chính phủ trong điều hành. Tuy nhiên, tôi nghĩ Chính phủ sẽ rất thận trọng trong việc thực thi chính sách này. Nếu Chính phủ thực hiện chính sách này sẽ gây lo ngại về tính minh bạch trong tài khóa.
Sử dụng dự trữ ngoại hối để tăng tài khóa trong nước là điều nên tránh. Do vậy, mặc dù đưa ra quy định nhưng chắc Chính phủ sẽ không sử dụng đến phương án này.
Ông đánh giá thế nào về sức chịu đựng của các ngân hàng trước những “cú sốc” kinh tế?
Các mô hình tính toán cho thấy khi có bất lợi về vĩ mô như lãi suất, tỷ giá, suy giảm kinh tế… đều có tác động đến hệ thống ngân hàng.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ vốn trên tài sản của hệ thống ngân hàng thương mại bị suy giảm mạnh, NHNN đã cố gắng thiết lập lại “độ dày”. Tuy nhiên, chừng nào chưa cải thiện được tỷ lệ này thì độ rủi ro của hệ thống ngân hàng còn cao. Khi đó, chi phí tính theo GDP cao và gây ra thiệt hại lớn.
Tôi cho rằng chúng ta cần đề cập đến tính dễ tổn thương của hệ thống và đề xuất chính sách đẩy mạnh tái cấu trúc ngân hàng thương mại theo hướng lành mạnh hơn, đặc biệt là tỷ lệ vốn trên tài sản.
Theo ông, trong năm 2016 chúng ta có nên duy trì chính sách neo tỷ giá chặt như năm nay không?
VEPR đã có đề xuất điều chỉnh liên tục và dần dần trong những năm qua. Khi lạm phát thấp thì ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên chúng ta vẫn cố gắng tạo dư địa về không gian vĩ mô nhiều hơn là điều chỉnh tỷ giá.
Điều chỉnh tỷ giá không bao giờ là muộn. Khuyến nghị của VEPR nên điều chỉnh tỷ giá hàng năm đều đặn và nên có 1 “biên” để không phá vỡ cấu trúc giữa VND và USD, tạo dư địa để lấy lại mức tỷ giá thấp hơn trong tương lai.
Theo tôi, mức 2% là tương đối chặt, thậm chí trong những năm trước NHNN đã không điều chỉnh đến 2%. NHNN muốn thực sự bình ổn kinh tế vĩ mô và đã làm được điều đó. Tuy nhiên, do điều kiện thay đổi, chúng ta nên linh hoạt hơn.
Có ý kiến cho rằng, điều chỉnh tỷ giá gây áp lực lên nợ công không. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Thay đổi tỷ giá nếu được thực hiện cùng các chính sách thay đổi cơ cấu thành công có thể giúp nguồn thu được cải thiện, khắc phục được nợ công.
Theo tính toán của VEPR, hiện đồng EURO và đồng yên đang chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong nợ công; nợ công bằng đồng USD chỉ là một phần.
Do vậy, thay đổi tỷ giá USD/VND có thể không ảnh hưởng đến nợ công vì trong cơ cấu nợ công có những đồng tiền đã yếu đi rất nhiều như đồng EURO, đồng yên Nhật...
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]