Quyền riêng tư trên Internet đang ngày càng trở thành một đề tài nóng bỏng. Từ lâu những cáo buộc nhắm vào Google vì việc sử dụng dữ liệu cá nhân để kinh doanh đã là ngọn lửa ngầm và nó thật sự bùng nổ khi Chính phủ Mỹ thừa nhận đã nghe lén và lưu trữ dữ liệu cá nhân. Vào ngày 13/3, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã gọi điện cho Tổng thống Obama để bày tỏ sự giận dữ của mình. “Khi những kỹ sư giỏi nhất của chúng tôi làm việc cật lực để nâng cao tính bảo mật, chúng tôi hình dung mình đang chống lại các loại tội phạm chứ không phải Chính phủ”, Zuckerberg chia sẻ trên trang Facebook của mình.
Đây là lúc sự thật của internet phơi bày: không có
sự miễn phí nào cả - tất cả đều là đổi chác.
Facebook sẽ hết miễn phí
Đồng thời với tuyên bố táo bạo ấy, Facebook cũng ra mắt giao diện mới và giao diện này được đánh giá là “hướng sự chú ý của người đọc vào quảng cáo nhiều hơn”. Bên cạnh động thái thay đổi giao diện trên, Facebook đã âm thầm giảm tầm ảnh hưởng những trang hâm mộ của các thương hiệu. Theo một nghiên cứu của Social@Ogilvy, từ tháng 10/2013 độ phủ của các trang hâm mộ này đã giảm đến hơn 50%, xuống chỉ còn trung bình 6% trên tổng số người theo dõi. “Độ phủ tự nhiên của các nội dung thương mại trên Facebook sẽ sớm giảm xuống bằng 0. Đó chỉ là vấn đề thời gian”, Marshall Manson, Giám đốc điều hành của Social@Ogilvy dự báo.
Trên sự thay đổi đó, khái niệm “miễn phí” khi quảng cáo trên Facebook sẽ sớm biến mất và đây sẽ đơn thuần là một kênh quảng cáo trả tiền. Một cách logic thì đây là một sự thay đổi có lợi cho người dùng: Chúng ta lên Facebook để kết nối và cập nhật thông tin của bạn bè chứ không phải để xem nội dung thương mại.
Nhưng đây cũng là một chiến lược kép của Facebook: khiến cho người dùng cảm thấy an tâm và bớt than phiền hơn, nhưng đồng thời thúc đẩy các thương hiệu phải chi mạnh tay nếu muốn tiếp tục tận dụng Facebook. Và hệ sinh thái Facebook sẽ càng mạnh mẽ hơn với sự kết hợp của Instagram và gần đây là WhatsApp.
WhatsApp với hơn 450 triệu người dùng thường xuyên và dự kiến đạt mốc 1 tỷ người dùng vào tháng 8/2015, hiện vẫn kiếm tiền từ thu phí trực tiếp (0,99 USD/năm) của người dùng. Nhưng điều này không chắc sẽ tồn tại khi Facebook đang thương mại hóa bằng hình thức quảng cáo rất triệt để. Đây sẽ là một cú sốc lớn đối với những chuyên viên marketing nhưng không có nhiều người có thể nói “không” với đế chế 2 tỷ người dùng của Facebook và WhatsApp. Một cách tóm tắt, định hướng của Facebook là: dữ liệu của bạn sẽ an toàn với chúng tôi và chúng tôi chỉ dùng chúng để kiếm tiền thôi.
Một ngoại lệ nhỏ trên Facebook là những trang hâm mộ của những đơn vị phát triển nội dung như các tờ báo lớn vẫn sẽ có nhiều ưu tiên trong việc phủ rộng đến người tiêu dùng. Ngoại lệ này có thể được hiểu dưới góc độ: nội dung do các đơn vị này chia sẻ thường có tính hữu dụng và tương tác cao, qua đó tăng thêm số trang xem và số lần hiển thị của Facebook. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng thêm cơ hội hiển thị quảng cáo.
Đã qua thời thí nghiệm
Bên cạnh những mạng xã hội dùng danh tính thật như Facebook hay WhatsApp, ngày càng có nhiều mạng xã hội ẩn danh. Tumblr, trước khi bị Yahoo! mua lại, được xem là thiên đường ẩn danh của giới trẻ vì mạng xã hội này hầu như không có khái niệm “hồ sơ người dùng”. Và gần đây nhất là Snapchat, một mạng xã hội tự động xóa tất cả nội dung người dùng chia sẻ sau 24 giờ. Facebook từng cố gắng bắt chước và đề nghị mua lại Snapchat với giá 3 tỷ USD nhưng bị từ chối.
Tại Nhật, mạng xã hội ẩn danh rất phổ biến và đang dần trở thành một trong những dịch vụ gia tăng được ưa chuộng nhất tại các mạng xã hội. Nếu không trả phí, nội dung của bạn phải phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng hay kinh doanh của mạng xã hội. Đó cũng là cách làm của Slideshare, khi tính năng “tải dữ liệu một cách cá nhân” chỉ dành cho các tài khoản Premium.
Một sự kiện khác minh họa cho việc đánh đổi sự riêng tư này là việc thương mại hóa nền tảng đo lường Google Analytics của Google. Với những website có trên 200.000 lượt truy cập mỗi tháng, nếu không nâng cấp lên phiên bản Premium (trị giá khoảng 150.000 USD mỗi năm) thì sẽ bị 2 hạn chế: cập nhật dữ liệu bị trễ 48 tiếng và chỉ lưu được trong 3 tháng gần nhất.
Bởi lẽ, sau nhiều năm gắn mác “thử nghiệm” với điều khoản “chia sẻ thông tin với chúng tôi một cách ẩn danh” cho phép Google sử dụng dữ liệu của các website để hoàn thiện Google Analytics thì hiện nay Google đã tự tin thu phí. Dường như Google muốn nói: chúng tôi không cần dữ liệu của bạn nữa mà chỉ cần tiền thôi. Tất nhiên, với phiên bản Premium, dữ liệu sẽ được bảo mật và không có sự can thiệp của Google. Có lẽ đã đến giai đoạn người sử dụng Internet phải trả tiền để có được sự riêng tư.
Nhưng giới hạn của sự riêng tư đang bị thách thức với trào lưu thiết bị mới: thiết bị đeo kèm. Khi bạn sử dụng thiết bị như vòng tay Nike Fuel band hay Misfit Wearable, nhất cử nhất động của bạn đều được tự động lưu trữ và cập nhật lên Internet. Và với Google Glass, giới hạn càng mỏng manh hơn: Google thấy những gì bạn đang thấy, nghe những gì bạn đang nghe ngay lập tức. Và chắc chắn vấn đề bảo mật sẽ còn là một chủ đề tranh cãi lâu dài.
Những điều trên có ý nghĩa gì với người dùng? Có lẽ đây là lúc sự thật của Internet phơi bày: không có sự miễn phí nào cả - tất cả đều là đổi chác. Bạn nhận tiện ích và trả bằng dữ liệu cá nhân, thời gian sử dụng và trên hết, cơ hội tiềm ẩn của việc phải mua hàng.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]