Một gian hàng giới thiệu càphê Việt Nam. (Ảnh: Kim Yến/Vietnam+)
Nhận xét về càphê của Việt Nam, ông Edward Liu, Giám đốc Điều hành của Công ty Dịch vụ Quản lý Triển lãm và Hội nghị của Singapore, nói: “Càphê Việt rất ngon. Nó có hương vị độc đáo, rất đặc. Đó là một trong những loại càphê ngon nhất thế giới.”
Chia sẻ nhận xét của ông Edward, ông Eric Maurice Huber, Giám đốc phụ trách nhà máy rang xay càphê của công ty Boncafe International Pte Ltd tại Singapore, nói: “Tôi đã dùng nhiều càphê Việt Nam trong nhiều năm, đặc biệt là càphê Robusta. Tôi thấy càphê Việt rất sạch và có hương vị rất thú vị. Nay tôi muốn có chút thay đổi hương vị, như càphê Arabica của Đà Lạt.""Tôi đã thử uống loại càphê này và tôi thấy rất tuyệt. Tôi nghĩ khách hàng của tôi cũng sẽ rất thích thưởng thức cà phê Arabica của Việt Nam, nhất là sản phẩm của Đà Lạt.”
Ông Eric cho biết công ty của ông đã sử dụng càphê Robusta của Buôn Ma Thuột được khoảng bảy năm nay và ông đã có kế hoạch sang thăm Việt Nam, không chỉ đến Buôn Ma Thuột, mà còn đến cả Đà Lạt để thăm trang trại trồng càphê, nhằm mục đích cung cấp cho khách hàng “hương vị càphê khác” trong thời gian tới đây.
Bảy công ty của Việt Nam nằm trong số 100 công ty và tổ chức của 18 nước tham gia Hội chợ Quốc tế về công nghiệp và xuất khẩu cà phê, chè lần thứ hai và và Hội chợ châu Á về bánh kẹo lần thứ nhất.
Giám đốc Điều hành của Công ty Dịch vụ Quản lý Triển lãm và Hội nghị của Singapore, ông Edward Liu nói: “Các hội chợ nói trên được tổ chức hằng năm, chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực càphê, chè, cacao và một số mặt hàng khác tham dự để tìm kiếm bạn hàng… Riêng trong ngày khai mạc, đã có khoảng 2.000 doanh nhân tới thăm hội chợ.”
Với mục đích tìm bạn hàng và tiếp cận trực tiếp khách hàng tại Singapore, Công ty trách nhiệm hữu hạn Interflour Việt Nam đã thuê gian hàng lớn để trưng bày và giới thiệu sản phẩm bột mỳ chuyên để làm bánh mỳ, bánh ngọt và mỳ sợi.
Ông Yu Fei, Giám đốc công ty, nói: “Nhà máy sản xuất bột mỳ của chúng tôi hướng tới thị trường nội địa, và chúng tôi cũng đang muốn tìm kiếm thị trường xuất khẩu tại Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Campuchia, Philippines và Myanmar.”
“Thị trường Việt Nam mới chỉ tiêu thụ được khoảng 75% đến 80% sản phẩm của nhà máy và hiện nhà máy mới chỉ hoạt động hết 70% công suất."
Ông Victor Mah, Chủ tịch Hội Càphê Singapore, nói: “Singapore và Việt Nam có quan hệ thân thiết từ lâu. Chúng tôi có mối quan hệ làm ăn tốt với các công ty càphê của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm trở thành nước sản xuất càphê Robusta lớn nhất thế giới.”
Tuy nhiên, theo thông tin từ Hải quan Việt Nam, xuất khẩu càphê của Việt Nam sang Singapore có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây và kim ngạch chỉ đạt khoảng một triệu USD trong năm ngoái.
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Càphê ASEAN, ông Victor Mah cũng bày tỏ hy vọng rằng “trong tương lai gần, Việt Nam sẽ gia nhập Hiệp hội Càphê ASEAN và đóng vai trò tích cực trong hiệp hội này”.
Theo Kim Yến - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]