Doanh thu, lợi nhuận đồng loạt tăng mạnh
Doanh thu quý 1/2014 của Tập đoàn thủy sản Minh Phú đạt 2.821 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận đạt 165 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với mức lợi nhuận 17,8 tỷ đồng trong quý 1/2013.
Một doanh nghiệp niêm yết khác trong ngành tôm là CTCP Thực phẩm Sao Ta trong hai quý gần nhất cũng đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu tôm của doanh nghiệp khác trong ngành cũng tăng mạnh như CTCP Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Âu Vững (Au Vung Co) trong 5 tháng đầu năm nay đạt 42,3 triệu USD, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Au Vung Co, chiếm 34% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
5 tháng đầu năm nay Au Vung Co xuất khẩu 4.807 tấn tôm các loại, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2013. Au Vung Co cho biết tình hình tiêu thụ tôm tại các thị trường trên thế giới tương đối tốt.
Một doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác là Công ty Ngoc Tri Seafood cũng cho biết khối lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm trong 5 tháng đầu năm nay của công ty đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2013.
Hưởng lợi từ hội chứng EMS
Ngành tôm Việt Nam được hưởng lợi lớn từ hội chứng dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) xảy ra trên diện tích tôm nuôi trồng ở Thái Lan xảy ra trong năm 2013 khiến sản lượng tôm Thái Lan sụt giảm.
"Vua tôm" Minh Phú giải thích nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận của mình tăng là do nguồn cung của các nước xuất khẩu tôm lớn trong khu vực và trên thế giới giảm do hội chứng EMS vẫn còn, nguồn cung không đủ cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường, nên các khách hàng phải chuyển các đơn hàng lớn sang Việt Nam, đặc biệt là nhà cung cấp có uy tín và chất lượng như Minh Phú do đó làm cho doanh thu tăng 98% so với cùng kỳ.
Giá tôm nguyên liệu trong nước tăng mạnh đã thúc đẩy nông dân nuôi tôm Việt Nam mở rộng diện tích nhằm tăng sản lượng với kỳ vọng thu lợi từ việc giá tôm sẽ tiếp tục giữ vững trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích nuôi trồng tôm trong một thời gian ngắn sẽ làm cho nguồn cung tôm trong tương lai tăng mạnh, gây áp lực lên giá tôm.
Thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho biết, diện tích nuôi tôm công nghiệp đến nay đạt trên 7.730ha (tăng 1.743ha) so với cuối năm 2013, vượt 735ha so với kế hoạch năm. Riêng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt trên 46.700ha, (tăng trên 7.710ha) so với cuối năm 2013, đã thả nuôi trên 70%.
Giá tôm thế giới sau một thời gian tăng mạnh đã có dấu hiệu tạo đỉnh. CTCP Chế biến Thực phẩm Ngọc Trí (Ngoc Tri Seafood) cho biết, giá tôm nguyên liệu trong nước tại thời điểm tháng 5 đã giảm khoảng 15-20% so với 2 tháng trước đó. Tuy nhiên, sang đến đầu tháng 6 nhu cầu thị trường tôm thế giới đã tăng cao hơn so với tháng 5 nên giá tôm nguyên liệu trong nước cũng đã bắt đầu tăng từ 5-10% so với tháng 5 trước đó.
Giá tôm tăng trong tháng 6 có nguyên nhân từ World Cup tại Brazil. "Phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong mùa World Cup tại Brazil cũng là lý do khiến EU và nhiều khu vực khác trên thế giới tăng thu mua tôm", nhận định của CTCP Chế biến Thực phẩm Ngọc Trí.
Trong thời gian gần một năm qua, ngành tôm Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng đang được hưởng lợi từ việc sụt giảm nguồn cung tôm từ Thái Lan do dịch bệnh EMS.Tuy nhiên, việc tăng nguồn cung quá mức do giá tăng cao sẽ gây ra những sự sụp đổ về giá trong tương lai khi lượng tôm đang nuôi đến vụ thu hoạch, đó là điều mà nông dân nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam cần lưu ý.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]