Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trong số 10 thành phố có nhiều thương hiệu nước ngoài xâm nhập nhất trong hai năm qua trên toàn khu vực.
Sự xuất hiện và mở rộng của hàng loạt nhà bán lẻ ngoại thời gian gần đây khiến các nhà bán lẻ nội gặp nhiều thách thức. Đây cũng chính là lúc các doanh nghiệp trong nước phải chủ động, tích cực tận dụng lợi thế “sân nhà” để gia tăng sức cạnh tranh.
Thị trường nội địa nhiều tiềm năng
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 9 của năm 2014 của cả nước đạt hơn 2.145 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ. Dự kiến, đến cuối năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt hơn 2.970 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013.
Xu hướng phát triển của thị trường phân phối bán lẻ tại Việt Nam đang phát triển mạnh các loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại lớn.
Tính đến cuối năm 2013, toàn quốc có 724 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, vài trăm cửa hàng tiện lợi, 8.546 chợ các loại và 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ hộ gia đình.
So với dân số hiện nay, mật độ các cửa hàng bán lẻ còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Theo quy hoạch của Bộ Công thương, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.
Tại hội thảo “Những vấn đề cấp bách của thị trường bán lẻ và kiến nghị chính sách của doanh nghiệp” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, các chuyên gia cho rằng, với số lượng người tiêu dùng 90 triệu dân và hơn 60% người tiêu dùng trẻ, thời gian tới, Việt Nam là trị trường mục tiêu của các nhà đầu tư lĩnh vực bán lẻ.
Ông Lê Hữu Minh Quân, Phó Giám đốc Khối đo lường bán lẻ Nielsen cho biết, hiện có khoảng 78% doanh số bán ra thị trường Việt Nam đến từ kênh truyền thống.
Trong khi đó, tại Thái Lan, doanh số từ kênh truyền thống chỉ chiếm 50%, Philippin là 43%, Malaysia 38%.
Như vậy, so với các nước trong khu vực, Việt Nam còn cơ hội lớn cho sự phát triển kênh hiện đại. Đặc biệt, thị trường nông thôn tại Việt Nam (chiếm 55-60% doanh thu), chủ yếu là cửa tiệm tạp hóa truyền thống. Do đó, nếu thị trường nông thôn được khai thác tốt sẽ là cơ hội lớn đối với các nhà bán lẻ và nhà sản xuất.
Thách thức cạnh tranh với hàng ngoại
Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng thời gian gần đây, sự mở rộng của các tập đoàn bán lẻ ngoại cùng với việc nhiều “đại gia” bán lẻ trên thế giới thăm dò, tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam khiến các doanh nghiệp nội đứng trước thử thách.
Bà Hồ Đức Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp cho rằng, năm 2015 là một năm đầy cơ hội và thách thức với ngành bán lẻ Việt Nam. Bởi, từ ngày 11/1/2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Đây cũng là năm khu vực kinh tế chung Asean chính thức có hiệu lực sẽ cho phép các dòng tài nguyên, vốn, nhân lực… di chuyển tự do. Theo đó, sẽ có khoảng 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Sức ép này đang đè nặng lên các nhà bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Thời gian qua, hàng loạt thương hiệu của các tập đoàn bán lẻ quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, với nhiều lợi thế về vốn, mặt bằng, nhân lực… nên các nhà đầu tư nhanh chóng mở rộng hệ thống phân phối.
Cụ thể, Lotte Mart (Hàn Quốc) có mặt ở Việt Nam từ năm 2007, với 12 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực và 7 trung tâm thương mại lớn.
Đến năm 2020, Lotte có kế hoạch sẽ mở thêm 60 trung tâm mua sắm.
Một nhà bán lẻ quốc tế khác là Aeon (Nhật Bản) vừa mới ra mắt trung tâm mua sắm vào đầu năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch xây thêm 20 trung tâm mua sắm tương tự tại Việt Nam thời gian tới.
Nhà bán lẻ này khẳng định sẽ bày bán 1/3 hàng Việt Nam bên cạnh 1/3 hàng Nhật Bản và hàng hóa khác.
Ngoài ra, nhà bán lẻ Wal Mart, hệ thống siêu thị toàn cầu cũng đang có ý định đón đầu thị trường bán lẻ Việt Nam vào 2015.
Mới đây, việc Metro Cash & Carry chuyển nhượng kinh doanh 19 trung tâm mua sắm của Metro cho tập đoàn Berli Jucker (Thái Lan) khiến các doanh nghiệp nội lo lắng. Bởi các tập đoàn ngoại cho biết sẽ ưu tiên bán hàng Việt nhưng các doanh nghiệp trong nước lo ngại sẽ bị từ chối khi đưa hàng vào, hạn chế sự tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt.
Theo ông Đỗ Hoàng Nam, Phó phòng Marketing, Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp Vina, mở cửa thị trường là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh nhưng điều các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng vấp phải là các đơn vị bán lẻ của nước ngoài từ chối hàng trong nước. Điều này sẽ hạn chế hàng nội địa đưa ra ngoài thị trường.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt đưa hàng về thị trường nông thôn, tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng địa phương, xây dựng mạng lưới phân phối tại chỗ.
Tuy nhiên, trước sức ép của hàng ngoại, thế chủ động trên thị trường bán lẻ của doanh nghiệp trong nước đang dần lung lay.
Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là cơ sở hạ tầng và các thủ tục hành chính kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, chính sách bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài cam kết ủng hộ hàng Việt Nam cũng cần có.
Trước tình hình mở hoàn toàn thị trường bán lẻ vào năm 2015, theo ông Phan Thuế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, doanh nghiệp nội cần có chiến lược kinh doanh hợp lý, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực… để phát triển thị trường bán lẻ phù hợp với tình hình mới khi hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.
Bởi, dù có nhiều cơ hội và lợi thế, nhưng nếu không có chiến lược cụ thể và không có chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thu hẹp thị phần, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]