Dư luận gần đây không khỏi xôn xao về câu chuyện “Làm sao để thoát Trung” trong kinh tế trước những diễn biến ngày càng phức tạp trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Không chỉ nóng ở trên nghị trường Quốc hội, chủ đề này còn trở thành mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp có nhiều liên quan đến Trung Quốc.
Cả xuất và nhập đều "lệ thuộc"?
Tại buổi làm việc giữa UBND TP.HCM với các sở - ngành, hiệp hội doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, khá nhiều con số thống kê thú vị đã được công bố.
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Văn Khoa, 5 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu của thành phố vào Trung Quốc đạt 839,4 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 9,8% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chính gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 275,8 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ.
Ông Khoa nhận định, nếu trong trường hợp giao thương giữa TP.HCM và Trung Quốc xấu đi, mức độ ảnh hưởng về xuất khẩu không lớn vì nhiều mặt hàng của doanh nghiệp thành phố không lệ thuộc cao vào thị trường này trong việc xuất khẩu.
Các doanh nghiệp có thể chủ động chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Về nhập khẩu, báo cáo của Sở Công thương cho thấy, hầu hết các mặt hàng nguyên phụ liệu đều nhập siêu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo tính toán của Sở Công thương, các doanh nghiệp vẫn có khả năng nhập khẩu từ các thị trường khác có chất lượng cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông…Vấn đề quan trọng là, nếu chuyển hướng nhập khẩu, chi phí nhập khẩu sẽ tăng lên.
Tính toán của Sở Công thương TP.HCM cho thấy, nếu nhập khẩu từ nguồn khác thay vì Trung Quốc, đối với nguyên liệu vải phục vụ sản xuất hàng dệt may xuất khẩu có thể tăng từ 10-15%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày phục vụ cho sản xuất ngành may và da giày xuất khẩu tăng từ 7-10%.
Riêng thuốc trừ sâu và nguyên liệu, có thể nhập khẩu từ thị trường Malaysia, Ấn Độ nhưng nguồn gốc hàng vẫn là Trung Quốc (vì nước này chủ yếu sản xuất mặt hàng này) nên giá nhập khẩu sẽ tăng từ 15-20%.
Đây là mặt hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất nông sản của nông dân, nên có khả năng chịu tác động theo hiệu ứng dây chuyền, tức là sẽ tăng giá thành của sản phẩm nông sản, giảm sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Mặt khác, con số được ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP.HCM nêu ra về tình trạng của doanh nghiệp nhựa trên địa bàn khiến chúng ta không khỏi lo ngại.
Theo ông Anh, doanh nghiệp nhựa thành phố đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, phụ thuộc đến 90% máy móc và 80% nguyên phụ liệu, vật tư phụ trợ ngành nhựa.
Tuy nhiên, ông Anh vẫn cho rằng, trong khó khăn cũng có cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nếu ngân hàng mở rộng cửa hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ.
“Nếu doanh nghiệp có thêm ưu đãi về thuế thì họ sẽ đẩy mạnh sản xuất thay vì nhập hầu hết từ Trung Quốc”, ông Anh nhận định.
Doanh nghiệp cần Nhà nước
Trước các tác động trên, lãnh đạo Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp tại thành phố cần hoạch định lại chiến lược kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp mà tỷ trọng xuất khẩu, nhập khẩu lớn ở một thị trường.
Nguy cơ khó khăn cũng là cơ hội để doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu thị trường, nâng cao nội lực, chuyển đổi cơ cấu thị trường nhập khẩu để tận dụng các ưu đãi về thuế theo TPP.
Đại diện các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn thành phố cũng cho rằng việc đa dạng hóa, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh là cần thiết.
Đây là cơ hội để các ngành hàng, mỗi doanh nghiệp tái cơ cấu lại, không phụ thuộc vào các thị trường lớn cũng như một đối tác nào.
Tuy nhiên, để đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao sức cạnh tranh thì cần sự hỗ trợ lớn từ Nhà nước, đặc biệt là hệ thống ngân hàng trong vấn đề cung ứng vốn với lãi suất hợp lý.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch TP.HCM, phân tích, các công ty là công ty đa quốc gia thì không thể cấm Việt Nam xuất sang Trung Quốc hay ngược lại, nên mức độ ảnh hưởng cũng ít đối với các công ty này. Tuy nhiên, thành phố cần có đánh giá toàn diện vì trong bối cảnh hội nhập, thị trường là thị trường toàn cầu, ít phụ thuộc vào thị trường nào cụ thể.
Vấn đề quan trọng hiện nay là cần đánh giá toàn diện về các tác động đối với TP.HCM. Trong đó, cần tập trung đánh giá tác động về sản xuất, dự án, hàng tiêu dùng…, đồng thời đánh giá cơ hội cho sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa, ông Hà nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết, thời gian qua, thành phố đã tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, sắp xếp tái cơ cấu doanh nghiệp.
Việc kết nối doanh nghiệp với ngân hàng đã được thành phố triển khai từ năm 2013, trong 5 tháng đầu năm 2014, thành phố đã kết nối 10.000 tỷ đồng đến các doanh nghiệp, trong đó có 5.000 tỷ đổi mới thiết bị công nghệ.
Theo đó, Chủ tịch Lê Hoàng Quân chỉ đạo, các sở - ngành thành phố tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước cần gặp gỡ các doanh nghiệp chuyên ngành và thông qua các hiệp hội ngành nghề có thể đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đầu tư trang thiết bị mới.
Để làm được điều này, cả 2 bên doanh nghiệp và ngân hàng phải cùng nỗ lực hết sức, trong đó doanh nghiệp cần hành động quyết liệt với chiến lược đã đề ra.
Đồng thời, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng cho biết đối với các đề xuất về chính sách ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp, thành phố sẽ tổng hợp để có kiến nghị cụ thể với Chính phủ.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]