Nhân viên DHL dùng máy quét mã vạch không dây để quản lý hàng hóa. (Ảnh: Minh Tú/TTXVN)
Đón bắt xu hướng này, một số các doanh nghiệp chuyển phát đã tăng cường đầu tư để tận dụng những tiềm năng lớn từ thị trường thương mại điện tử.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), khẳng định thương mại điện tử không những là yêu cầu mà còn là công cụ tạo thuận lợi cho quá trình chuyển phát hàng hóa và bưu kiện nói riêng cũng như hoạt động logistics (chuyển nhận kho vận) nói chung.
Đáng lưu ý, vài năm trở lại đây dịch vụ chuyển phát đã phát triển mạnh mẽ và bao phủ rộng khắp các tuyến xã trên cả nước.
Với 35-40% dân số sử dụng Internet hàng ngày, mua sắm trực tuyến đang dần trở thành xu hướng tất yếu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thương mại điện tử và nhà chuyển phát.
Việc đầu tư phát triển các dịch vụ dành riêng cho khách hàng thương mại điện tử là một trong những chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp trong năm 2015 này. Vì thế, Công ty trách nhiệm hữu hạn Chuyển phát nhanh DHL-VNPT mới đây cũng đã đầu tư thêm 10 triệu USD để mở rộng thị trường.
Không chỉ mở văn phòng và trung tâm khai thác có diện tích lên đến 4.900m2, trang bị nhiều dây chuyền và thiết bị hiện đại nhất, cùng với các trạm trung chuyển tại các thành phố lớn, DHL-VNPT còn sắm thêm các phương tiện vận tải hiện đại.
Hiện doanh nghiệp này đang có một máy bay chuyên dụng, 134 phương tiện vận chuyển và hơn 400 nhân viên đạt chuẩn quốc tế, thực hiện hơn 10.000 đơn hàng mỗi ngày. Khoản đầu tư này giúp cho DHL-VNPT đặt ra kỳ vọng sẽ chuyển hàng nhanh hơn để gia tăng thêm thị phần.
Đứng ở vị trí thứ ba với 10,08% thị phần, có mạng lưới thu phát phủ đến 95% huyện, xã tại 63 tỉnh thành, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cũng không bỏ qua sức hút từ thương mại điện tử.
Mỗi năm doanh nghiệp này chi ra khoảng từ 3-5% doanh thu để đầu tư vào công nghệ, nhằm giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí vận chuyển đơn hàng.
Hiện Viettel Post đang đầu tư thử nghiệm 500 máy quét mã vạch không dây (PDA) cho nhân viên và thiết bị quản lý phương tiện vận tải GPS để kiểm soát chất lượng vận chuyển, giúp tiết kiệm khoảng 10% chi phí xăng dầu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, dù từ đầu năm 2014 đến nay đã có 91 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính nhưng thực tế, một số doanh nghiệp đã được cấp phép chưa hoạt động hoặc hoạt động không đúng mục đích.
Không những thế, có đơn vị chuyển phát chỉ làm thương mại, liên kết, hợp tác với một số đơn vị chuyển phát lớn rồi kinh doanh trực tuyến hoặc mở văn phòng giao dịch thu gom thư từ, bưu phẩm, bưu kiện... của khách hàng rồi chuyển tới đại lý.
Ngoài ra, chất lượng chuyển phát chưa cao cũng là một yếu tố quan trọng khiến cho giá mua sắm trực tuyến không rẻ hơn đáng kể so với mua sắm truyền thống. Đây là một cản trở lớn đối với lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, một lĩnh vực được đánh giá là tiềm năng phát triển rất mạnh trong thời gian tới.
Vì vậy, để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát cần nâng cao năng lực với chất lượng cao và giá cạnh tranh qua việc mở rộng quy mô doanh nghiệp, đào tạo cán bộ lành nghề cũng như đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin điện tử.
Ngoài ra, phải có sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các nhà bán hàng trực tuyến và công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát để thúc đẩy dịch vụ theo yêu cầu cụ thể của khách hàng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp thương mại điện tử cũng như doanh nghiệp chuyển phát tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]