Ảnh minh họa
Chỉ 31 DN đã bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 6 tháng đầu năm 2014 trong số 432 DN thuộc kế hoạch cổ phần hóa các năm 2014 và 2015, theo báo cáo của Bộ Tài chính. Nhiều DN vẫn đang loay hoay với kế hoạch IPO, khi nhiều DN rao đi bán lại vẫn không hoàn thành kế hoạch.
Câu chuyện của các DN cảng biển là một trong những ví dụ điển hình của việc IPO có như không. Hết đấu giá đến thoả thuận, phần vốn Nhà nước bán ra bên ngoài vẫn không được thị trường hấp thụ hết. Cảng Quảng Ninh không thu hút NĐT nào tham gia phiên bán cổ phần thoả thuận sau lần đấu giá đầu tiên ra thị trường. Cảng Hải Phòng may mắn hơn khi vớt thêm được NĐT trong phiên bán cổ phần thoả thuận với vẻn vẹn thêm 2.000 cổ phần trong tổng số 30.802.100 cổ phần chào bán...
Có lẽ nhiều DN chắc cũng đã lường trước thảm cảnh này nên mặc dù trong đợt IPO đầu tiên chỉ bán được vài phần trăm lượng cổ phần mang đấu giá, song cũng không vội lên kế hoạch bán tiếp theo phương thức thoả thuận. Ví như Công ty TNHH MTV Vật tư, Vận tải và Xếp dỡ - Vinacomin trong phiên IPO ngày 24/2 chỉ bán được 321.500 cổ phần với mức giá đấu thành công chỉ cao hơn 2 đồng so với giá khởi điểm.
Trước Đảng uỷ khối DN Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương, đại diện của Tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin) cũng đã chỉ ra bất cập của tập đoàn trong vấn đề cơ cấu lại vốn đầu tư trong DN. Quy định của Nhà nước buộc chuyển nhượng phần vốn theo nguyên tắc giá thị trường (đấu giá) và giá chuyển nhượng phải đảm bảo theo nguyên tắc định giá lại giá trị DN (thường cao hơn giá trị sổ sách). Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về việc khi đấu giá không thành công thì được giảm giá khởi điểm là bao nhiêu (mức giá giảm, bước giá giảm...) để đấu giá lại.
Việc không có các quy định cụ thể về bước giá giảm khi DN không đấu giá thành công hoặc không bán hết cổ phần trong lần đấu giá đầu tiên khiến các DN khi lên kế hoạch bán tiếp phần vốn Nhà nước vẫn không thu hút được thêm sự quan tâm của NĐT, khi giá bán tối thiểu thoả thuận vẫn bằng giá IPO lần đầu.
Nhưng, điều đó cũng không có nghĩa là IPO kém hấp dẫn, ông Tào Minh Dương, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư, CTCK Bảo Việt dẫn chứng về đợt IPO của Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông - Vận tải, NĐT đăng ký cao gấp 6 lần chào bán, giá trúng thầu hơn 22.000 đồng/cổ phần. Nguyên nhân là do phần lớn cổ phần bán cho các đối tác chiến lược đầu tư cùng ngành nghề và là đầu tư dài hạn.
Cũng từ dẫn chứng này, ông Dương cho rằng, DNNN có tiềm năng phát triển là một lực hấp dẫn, nhưng quan trọng hơn là việc xây dựng một cơ cấu sở hữu hợp lý. Trải qua những trường hợp IPO trong 6 tháng vừa qua, ông Dương nhận thấy những DN có tiềm năng phát triển, có sự tham gia của NĐT chiến lược với một mức sở hữu hợp lý để họ có tiếng nói thì sẽ hấp dẫn NĐT. Còn với DNNN mà tiềm năng tăng trưởng không cao và không có những hấp dẫn trong cơ cấu sở hữu thì khả năng thành công thấp hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cũng không cần phải cố bán hết lượng cổ phiếu theo kế hoạch IPO bằng mọi giá mà quan trọng là việc chuyển sang mô hình công ty cổ phần hóa tiên tiến, khi có sự tham gia của các cổ đông nhỏ, dù là phần ít, mô hình minh bạch hơn, có giám sát buộc DN hoạt động công khai, minh bạch và tiến đến phải niêm yết. Đây là bước thay đổi cách thức quản trị, đưa DNNN hoạt động đúng Luật DN, chịu sự giám sát của cổ đông ngoài Nhà nước.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]