Thị trường phân mảnh là thị trường tiềm năng - liệu thị trường đồng hồ 748 triệu USD sẽ được thống lĩnh bởi đại gia trang sức PNJ với 7 năm bán thử nghiệm hay sẽ thuộc về tay chơi bán lẻ điện máy số 1 Việt Nam vừa mới nhảy vào ngành hàng này?
Thế giới Di động vừa chính thức bước chân vào ngành hàng mới - bán lẻ đồng hồ - đầy bất ngờ.
Song song với việc bán online, Thế giới Di động cũng dành một phần diện tích cửa hàng Thegioididong để trưng bày các sản phẩm đồng hồ nam nữ mang thương hiệu Micheal Kors, Fossil, Daniel Wellington, và các thương hiệu con của đồng hồ Casio... Giá bán các đồng hồ dao động từ vài trăm ngàn đến dưới 7 triệu đồng.
Thị trường đồng hồ có gì hấp dẫn mà ông lớn bán lẻ này lại quan tâm đến vậy?
Thị trường lớn nhưng "bát nháo"
Theo số liệu CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận ( PNJ ) cung cấp tại Đại hội cổ đông năm 2018, thị trường đồng hồ ở VIệt Nam có giá trị ước tính vào khoảng 17.000 tỷ đồng, tương đương 748 triệu USD.
Theo báo cáo "Sơ lược thị trường bán lẻ đồng hồ Việt Nam" của Khối phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường bán lẻ đồng hồ có độ phân mảnh cao và còn rất "bát nháo" về nguồn gốc sản phẩm.
Nắm bắt cơ hội đó, PNJ và Doji , 2 chuỗi trang sức lớn, đều đang lấn sân sang thị trường còn bỏ ngỏ này, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của bộ phận người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu và thu nhập cao đang tìm kiếm địa chỉ mua sắm đồng hồ đáng tin cậy.
Đây cũng chính là lý do ngành hàng này lọt vào "tầm ngắm" của Thế giới Di động. Trả lời báo chí, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO CTCP Thế Giới Di Động, cho biết hiện nay người mua gặp nhiều khó khăn để tìm được một cửa hàng bán đồng hồ uy tín. Đồng hồ nhái, đồng hồ giả tràn lan khiến người mua không yên tâm, do đó Thế Giới Di Động mở ra ngành hàng mới này nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng.
Đồng hồ đeo tay Việt Nam gồm những phân khúc nào?
Theo VDSC, đồng hồ đeo tay tại Việt Nam có thể chia làm 2 phân khúc chính:
1- Đồng hồ thời trang: từ các thương hiệu thời trang nổi tiếng và thường không chuyên về đồng hồ: Michael Kors, Daniel Wellington, Calvin Klein hay Emporio Armani. Đồng hồ loại này có tính thẩm mỹ cao, giá dao động từ thấp đến trung bình (dưới 10 triệu đồng) => Đối tượng khách hàng là nữ.
2- Đồng hồ thông thường: từ các thương hiệu chuyên về đồng hồ, chủ yếu là Thụy Sĩ (Rolex, Omega, FC, Tissot,) và Nhật Bản (Seiko, Citizen, Orient, Casio). Có thiết kế thiên hướng nam tính, giá thường dao động từ trung bình (vài triệu) đến cao cấp (hàng chục triệu) => Đối tượng khách hàng thường là nam. Do giá cao, đồng hồ giả chủ yếu đến từ phân khúc này.
Đây là ngành hàng lãi cực lớn?
Chính xác. Thử nghiệm bán đồng hồ 7 năm nay, PNJ ghi nhận biên lợi nhuận khá lớn với mảng kinh doanh đồng hồ, phụ kiện.
Trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh vàng miếng ở mức 0,1 - 0,5%, thì tỷ suất này ở vàng trang sức là 30%, và ở mảng kinh doanh phụ kiện, đồng hồ lên tới 60 – 70%.
Đâu là những tay chơi chính trên thị trường?
3 tay chơi chủ yếu trên thị trường đồng hồ hiện nay là PNJ, Doji, và Đăng Quang , nhưng phần lớn thị phần vẫn nằm trong tay các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ và chợ đồng hồ.
PNJ đã thử nghiệm bán đồng hồ từ năm 2012, đến nay chuỗi này cung cấp khá đa dạng các loại đồng hồ: gần 1.000 mẫu từ 9 thương hiệu. Hiện PNJ có 20 cửa hàng PNJ Watch, trong đó có một cửa hàng Flagship mới khai trương tháng 2/2019.
Trong khi đó Doji mới gia nhập ngành, theo cập nhật mới nhất trên website của doanh nghiệp này, hiện Doji chỉ bán 61 mẫu đồng hồ từ 3 thương hiệu Emporio Armani, Michael Kors và Versace.
Nhìn chung, cả hai đều nhắm đến phân khúc trung bình thấp với 75% (PNJ), và 100% (Doji) các mẫu có giá dưới 10 triệu đồng. Cơ cấu này là khá hợp lý khi khách hàng nữ có xu hướng xem trọng vẻ bề ngoài đẹp và giá cả hợp lý của các mẫu đồng hồ thời trang hơn là chi tiết bộ máy bên trong (là thành phần tạo nên mức giá rất cao của những mẫu đồng hồ cao cấp).
Thế giới Di động lựa chọn ngách mà PNJ và Doji bỏ ngỏ?
Khảo sát của VDSC cho thấy, hầu hết (bao gồm các cửa hàng tư nhân trong nước và các trang web ở nước ngoài) chủ yếu tập trung vào khách hàng nam, với 60-70% sản phẩm bày bán là đồng hồ nam và khoảng 60% sản phẩm có giá trên 10 triệu đồng (phân khúc giá trung bình và cao).
Trong khi đó, PNJ và Doji tập trung vào khách hàng nữ với 63% (PNJ) và 87% (Doji) mẫu mã là đồng hồ nữ. Điều này là dễ hiểu khi PNJ và Doji là các chuỗi trang sức và hướng tới khách hàng nữ.
Với thương hiệu trung tính không nghiêng hẳn về phái nam hay nữ, Thế giới Di động có lợi thế hơn khi bước vào ngành hàng này. Bên cạnh đó, Thế giới Di động nhắm vào các phân khúc có giá trung bình khi cho người mua 2 lựa chọn "lọc" hàng với mặt hàng đồng hồ thời trang, hoặc chọn tầm giá 1 - 6 triệu đồng, hoặc chọn đồng hồ trên 6 triệu đồng.
Trả lời báo chí, ông Hiểu Em cho biết hiện doanh nghiệp này tập trung nhiều hơn vào nhóm đồng hồ giá 2-3 triệu đồng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]