(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)
Nguồn hình thành vốn điều lệ được chia đều ra ba nhóm: ngân sách thành phố, vốn góp của các doanh nghiệp và vốn góp của các tổ chức tín dụng.
Ủy ban Nhân dân thành phố cũng quyết định tạm thời sử dụng bộ máy của Quỹ đầu tư phát triển thành phố để thực hiện nhiệm vụ quản lý quỹ.
Theo đó, Hội đồng quản lý quỹ gồm đại diện Sở Tài chính, Quỹ đầu tư phát triển thành phố, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và Hiệp hội Doanh nghiệp.
Đối tượng được cấp bảo lãnh tín dụng gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, các hộ gia đình kinh doanh cá thể, các chủ trang trại, hộ nông dân, ngư dân thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi.
Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hơn 12.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động (chiếm 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) với tổng vốn đăng ký gần 64.000 tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những đóng góp tích cực vào GDP của thành phố. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều nộp thuế đúng hạn, giải quyết nhiều việc làm cho thành phố.
Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh bị đình đốn, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó khăn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp khi vay vốn.
Thực tế, không ít doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có dự án khả thi cần vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng không đủ điều kiện tín chấp và tài sản thế chấp nên phải hoạt động cầm chừng, mất đi cơ hội phát triển.
Khá nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản, một số dự án sản xuất mới do khó khăn về vốn đã tạm ngừng hoặc không triển khai… Chỉ trong năm 2012, đã có 286 doanh nghiệp giải thể, gần 3.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho biết, năm 2013 được coi là năm khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chi phí sản xuất đầu vào như giá điện, xăng, nguyên vật liệu, giá thuê mặt bằng... gia tăng dẫn đến nhu cầu về vốn cũng gia tăng. Ngoài ra, mỗi loại hình doanh nghiệp còn có các khó khăn riêng.
Cụ thể, về mặt bằng sản xuất, đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu mặt bằng sản xuất ổn định, phải sản xuất kinh doanh tạm bợ ngay tại trung tâm thành phố gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến môi trường.
Về vốn đầu tư, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố hiện không tiếp cận được vốn vay của ngân hàng, không còn tài sản để thế chấp, đảm bảo, trong khi điều kiện cho vay lại chặt chẽ, nhiều thủ tục, kể cả nghiệp vụ tín dụng của ngân hàng hiện nay cũng không chấp nhận các khoản vay thuộc loại tín dụng thương mại.
Mặt khác, chi phí về xử lý nước thải quá cao làm doanh nghiệp nhỏ và vừa không cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác.
Theo vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]