Ảnh minh họa
Quyết định 15/2014/QĐ-TTg cho phép các DN được thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng đến nay, các DN cho biết vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng để trích, vì vậy khó minh bạch được tài chính. Khó khăn hơn là thoái vốn của các DN đã đầu tư trong 2-3 năm trở lại đây. Đặc biệt trong lĩnh vực thi công xây lắp, nợ nần nhau nhiều và các khoản nợ này sẽ vẫn còn duy trì, kéo dài trong thời gian tới. Vì vậy, đến thời điểm xác định giá trị DN, phải xem xét, đánh giá lại những khoản này. Vấn đề trích như thế nào, xử lý ra sao vẫn là một câu hỏi.
Một bài toán khác cũng làm các nhà lãnh đạo DNNN đau đầu khi thực hiện CPH đó là chi phí. Theo quy định của Nhà nước về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành CTCP thì người lao động dôi dư tại DN chỉ được hưởng trợ cấp dôi dư khi chưa giải quyết chính sách lao động dôi dư theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP, Nghị định số 155/2004/NĐ-CP, Nghị định 110/2007/NĐ-CP.
Điều này có nghĩa, nếu DNNN trước đây đã thực hiện chuyển đổi thành công ty TNHH MTV thì sẽ không được giải quyết chi trả trợ cấp lao động dôi dư khi cơ cấu lại DN. Hiện, Tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin) có 140.000 lao động, nếu tái cơ cấu, dôi dư ít nhất 40.000 người. “Kinh phí để chuyển những con người dôi dư này sang công việc khác mà xã hội phải tạo ra là thế nào khi hiện tại đồng lương đang chia cho cả các lao động dôi dư?”, đại diện của Vinacomin trăn trở.
Với các DN trực thuộc trong các tổng công ty Nhà nước hoặc tập đoàn, để có thể thoái vốn Nhà nước, thì phải CPH các DN này, sau đó qua IPO để thoái vốn. Tuy nhiên, Nghị định 59/2011/NĐ-CP cho phép CPH đối với các DNNN hạch toán độc lập, không quy định CPH một bộ phận DN là chi nhánh đơn vị trực thuộc của công ty Nhà nước đã và chưa CPH. Đây cũng là cái khó của Tổng công ty Thép Việt Nam cũng như Vinacomin trong việc lên kế hoạch CPH với những DN trực thuộc.
Quy định này còn làm khó các tập đoàn trong việc triển khai các dự án trọng điểm có quy mô vốn đầu tư lớn, sử dụng nhiều lao động. Bởi theo trình tự, phải thành lập các đơn vị trực thuộc tập đoàn để triển khai các thủ tục về quản lý đầu tư, vận hành dự án để đảm bảo các dự án hoạt động ổn định, có hiệu quả. Tiếp sau đó, tiến hành xã hội hoá các dự án đầu tư này bằng cách CPH các chi nhánh, đơn vị trực thuộc được thành lập ban đầu.
Tuy nhiên, việc này cũng lại vướng phải quy định chưa đầy đủ về việc CPH các đơn vị trực thuộc công ty mẹ. Nếu chuyển các đơn vị này sang mô hình công ty TNHH MTV sau đó mới chuyển thành CTCP lại vướng các quy định của Nhà nước về thành lập công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước (theo Nghị định 172/2013/NĐ-CP). Còn nếu thành lập CTCP ngay từ ban đầu để quản lý các dự án trọng điểm này thì có thể ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và hiệu quả hoạt động của các dự án trong những năm đầu đưa vào hoạt động.
Ngoài ra, trong điều kiện khó khăn hiện nay của nền kinh tế nói riêng đại diện ngành thép đề nghị cần có cơ chế đặc thù để thực hiện lộ trình thoái vốn theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, không áp dụng điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông lớn trong công ty đại chúng theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP “Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán”. Vì đối với Tổng công ty Thép Việt Nam và một số công ty con không thoả mãn điều kiện này khiến việc thúc đẩy CPH và thoái vốn thêm chậm.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]