LTS: Theo số liệu của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) vừa công bố, Việt Nam hiện có 20 dự án năng lượng thì có 15 công trình do tổng thầu Trung Quốc thực hiện với tỉ lệ nội địa hóa bằng 0%.
Song điều đáng nói ở đây lại là chất lượng, tiến độ thi công và “vấn đề đội giá” của nhà thầu Trung Quốc khiến không ít chuyên gia đặt ra câu hỏi lớn về công tác tổ chức đấu thầu, chọn thầu của chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Báo Đời sống và Pháp luật sẽ khởi đăng loạt bài nhằm mổ xẻ những vấn đề bất cập và hệ lụy khôn lường từ các dự án năng lượng của EVN do nhà thầu Trung Quốc thi công dưới góc nhìn của các chuyên gia.
Điệp khúc... “chậm tiến độ”!
Cách đây không lâu, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án năng lượng, đặc biệt nhấn mạnh tới những yếu kém của các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.
Dẫn thông tin từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hầu hết các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện 6 (giai đoạn 2006-2010) đều bị chậm tiến độ như các nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ, Pleikrông, Bản Vẽ...; các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí (mở rộng 1), Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Vũng Áng 1, Sơn Động, Mạo Khê, Nông Sơn, ô Môn 1. Đặc biệt, các dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận như: Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc như Kiên Lương... đều bị chậm; có những dự án đến nay chưa triển khai, chậm tiến độ từ 2-3 năm.
Lý do chậm được hiệp hội này đưa ra, do năng lực nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm và không thu xếp được tài chính. Nhà thầu hứa cung cấp đủ vốn cho dự án, nhưng thực chất là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ.
Nguồn thông tin từ EVN cũng cho thấy, đặc điểm chung nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện do ngành này quản lý, làm chủ đầu tư, dù được nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá rẻ nhưng lại bị chậm tiến độ gây thiệt hại khó thống kê được. Như nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn bị chậm 28 tháng, nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng, nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng, nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng. Các dự án do ngành điện quản lý và đầu tư như nhiệt điện Hải Phòng 1, 2 và nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2 đều chậm từ 18-24 tháng, đến nay vẫn chưa thể bàn giao được.
Không kém cạnh các ngành khác, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng liên tục than vãn, điển hình mới đây Vinacomin báo cáo trong văn bản gửi Bộ Công Thương, ước tính việc chậm tiến độ các dự án của đơn vị do nhà thầu Trung Quốc thi công gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Tính cả phần đội vốn thì con số này phải lên tới cả nghìn tỉ đồng.
Dự án chậm tiến độ đã làm tăng chi phí như tăng khoản lãi vay, tăng chi phí quản lý dự án, chi phí thuê tư vấn, tăng chi phí chuẩn bị sản xuất... Điều này được thể hiện qua việc nhiều dự án điện bị đội mức đầu tư khá nhiều sau khi hoàn thành.
Nhiều chuyên gia lo lắng trước tiến độ thực hiện và chất lượng các dự án nhà máy nhiệt điện của nhà thầu Trung Quốc (Ảnh minh họa).
Rẻ hóa... đắt
Kinh nghiệm nhãn tiền phải kể đến bài học “xương máu” trị giá 1,2 triệu USD của Tổng công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sau 6 dự án điện làm với nhà thầu Trung Quốc. Kết cục rút ra là đối với các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, chậm tiến độ và chi phí đầu tư cũng không rẻ như giá trúng ban đầu.
Theo đó, lần lượt, dự án nhiệt điện Cao Ngạn (công suất 100MW), nhiệt điện Sơn Động (200 MW), nhiệt điện Nông Sơn (30 MW), nhiệt điện Cẩm Phả 1 (310 MW), nhiệt điện Cẩm Phả 2 (300MW) rồi nhiệt điện Mạo Khê (440MW) do TKV làm chủ đầu tư đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Giá trị tính sơ sơ tổng giá trị hợp đồng EPC do các nhà thầu Trung Quốc đảm trách tại 6 dự án lên tới 1,2 tỉ USD.
Thế nhưng, đáng buồn thay, hơn 1,2 tỉ USD đã vui vẻ phóng tay ký kết xong rồi, giờ đây “người trong cuộc” mới ngộ ra kinh nghiệm làm tổng thầu EPC của các nhà thầu Trung Quốc còn ít, thế nên khi triển khai dự án gặp muôn vàn cái khó. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế của các nhà thầu chưa tốt vì đa số các nhà thầu thiết kế, thi công xây dựng của Trung Quốc chỉ quen với các tiêu chuẩn của Trung Quốc... Thêm nữa, dù nhà thầu Trung Quốc thường chấp nhận tất cả các yêu cầu của Hồ sơ mời thầu nhưng khi bắt đầu vào thi công, thực hiện hợp đồng mới bộc lộ những khó khăn.
Không những thế, trong quá trình thi công nhà thầu thường hay đề xuất thay đổi so với hợp đồng như: Thay đổi nhân sự, thầu phụ cung cấp thiết bị, thầu phụ xây lắp, thay đổi các điều khoản kỹ thuật... Việc này làm mất thời gian để đàm phán, xem xét, gây khó khăn, phức tạp trong quản lý dự án của chủ đầu tư.
Rốt cuộc qua 6 dự án đã “trót” ký, Tổng công ty Điện lực TKV nhận ra: Về chất lượng, so sánh thực tế vận hành ở nhà máy điện Na Dương (do MC làm tổng thầu, các thiết bị chính xuất xứ từ Nhật Bản và các nước G7) với nhiệt điện Cao Ngạn (do HPE làm tổng thầu, các thiết bị chính xuất xứ từ Trung Quốc), Sơn Động, Cẩm Phả, cho thấy chất lượng thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc cũng như các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật (hiệu suất nhà máy) thấp hơn các thiết bị của các nước châu âu, G7.
Về tiến độ, ngoài các lý do thường thấy như GPMB chậm; các thủ tục đầu tư có nhiều vướng mắc, “yếu tố chủ quan từ nhà thầu EPC là chính”. Còn đối với chi phí đầu tư, thực tế cho thấy tất cả các dự án nhiệt điện đốt than thực hiện tại Việt Nam trong thời gian vừa qua đều bị chậm tiến độ từ 1-2 năm hoặc hơn đã làm tăng chi phí đầu tư của dự án, nhưng việc đàm phán để nhà thầu EPC Trung Quốc nộp khoản phạt chậm tiến độ là công việc rất khó khăn và thường bị kéo dài.
“Ông lớn” EVN cũng dính “trái đắng” với các nhà thầu Trung Quốc, chẳng hạn như dự án nhiệt điện Hải Phòng 1 (tại huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng), nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Điện khí Đông Phương trúng thầu. Thời điểm cuối năm 2008 đầu năm 2009, Tập đoàn Điện khí Đông Phương đã liên tiếp phát văn bản kêu do biến động đồng nhân dân tệ đang từ 8,2 tệ/USD xuống 6,8 tệ/USD nên họ thiệt hại gần 100 triệu USD. Họ đề nghị Việt Nam bù giá, nếu không họ sẽ không thi công nữa vì hết tiền.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế năng lượng, việc hiện 90% dự án nhiệt điện hiện nay đều do Trung Quốc thắng thầu sẽ dẫn tới sự phụ thuộc, có nguy cơ mất an ninh năng lượng khi có sự cố xảy ra.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan: “Nhà thầu Trung Quốc thường thắng thầu bằng giá thấp, nhưng trong quá trình thực hiện họ lại đội giá lên, cuối cùng là mức giá công trình có thể đắt hơn nhiều so với trước. Đây là cách thức chơi không sòng phẳng”.
Ông Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Từ trước tới nay Trung Quốc vẫn được nhắc tới với một phương thức làm ăn nổi tiếng còn được gọi là “quan-si”, tức là “quan hệ”. Phương thức này cũng được áp dụng với các nước khác trên thế giới. Có thể việc trúng thầu dễ dàng tại các dự án ở Việt Nam là do họ đã xây dựng được mối quan hệ này rồi chăng? Tuy nhiên, tôi cho rằng, lựa chọn nhà thầu năng lực kém trách nhiệm đầu tiên là do đơn vị chọn nhà thầu. Làm sao họ tham dự được, ai đưa họ vào thì phải chịu trách nhiệm”.
Theo Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]