Tại buổi họp báo thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quý II-2014, ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội đang diễn ra khá phức tạp.
Số đơn vị đăng ký thành lập doanh nghiệp là khoảng 500 nghìn doanh nghiệp, nhưng thực tế có trên 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và chỉ có 150 nghìn doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, có đến 50% doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội.
Ông Liệu cũng cho biết, theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là khoảng 16 triệu người, trong khi đó, đối tượng đang tham gia là gần 11 triệu người, chiếm 68,8% số người phải tham gia. Như vậy, còn trên 5 triệu người chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng lao động bằng mức tiền lương tối thiểu hoặc ký 2 hợp đồng với người lao động ở các mức khác nhau và lấy hợp đồng có số tiền lương phải trả ít hơn số thực trả để đăng ký với cơ quan Bảo hiểm Xã hội Hiện nay, tiền lương, tiền công bình quân của người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước khoảng 2,8 triệu đồng nhưng theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, thực tế tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp ngoài lương trên dưới 3,8 triệu đồng.
Như vậy, với khoản chênh lệch 1 triệu đồng thì số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tương ứng khoảng 24 nghìn tỷ đồng/năm. Thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về bảo hiểm xã hội nhưng không được quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao.
Để khắc phục những bất cập trên, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã kiến nghị sửa đổi và bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng “cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về đóng, hưởng bảo hiểm xã hội”; nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, đồng thời tăng nguồn thu bảo hiểm. Công cụ thanh tra sẽ được sử dụng ở từng mức độ hợp lý, từ cảnh báo các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động trây ỳ, trốn tránh đóng bảo hiểm đến thanh tra, xử phạt, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết.
Tại buổi họp báo, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cung cấp nhiều thông tin liên quan đến việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện theo hướng người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không khống chế tuổi trần tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích những người từ 45 tuổi trở lên đối với nam, từ 40 tuổi trở lên đối với nữ tham gia bảo hiểm xã hội./.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]