iFixit được biết đến là trang web hướng dẫn sửa chữa các thiết bị điện tử lớn nhất thế giới. Trang web được sự hỗ trợ của các tình nguyện viên gồm các chuyên gia về sửa chữa, chuyên gia về gia công thiết bị. Từ đó mọi người muốn tự sửa các thiết bị điện tử đều có thể vào trang web này để tìm tài liệu hướng dẫn.
Nhưng việc viết hướng dẫn miễn phí không tạo ra lợi nhuận, nguồn thu của iFixit lúc này là kinh doanh các linh kiện, thiết bị cần thiết cho việc sửa chữa của mọi người.
Năm 2003, Kyle Wiens và Luke Soules bắt đầu cùng nhau sửa chiếc iBook. Khi đó không có một tài liệu nào hướng dẫn mọi người cách sửa laptop của Apple. Việc sửa hoàn toàn được thực hiện bằng cách mày mò. Kết thúc quá trình sửa, 2 người đồng sáng lập đã thừa ra vài con ốc, tuy nhiên chiếc iBook đã hoạt động trở lại.
Họ tiếp tục sửa thêm các mẫu laptop khác bằng cách mua máy hỏng trên ebay lấy linh kiện. Mọi việc tốt hơn, những người sáng lập quyết định mở rộng thêm mảng kinh doanh linh kiện và iFixit ra đời.
Từ kinh doanh linh kiện cũ đến cuộc đua tháo iPhone
Ít người có thể nghĩ ra mỗi khi một thiết bị mới được bán ra thị trường, thay vì muốn sử dụng, mọi người lại muốn biết chi phí sửa chữa nó đắt hay rẻ như lúc này.
Đối với một mẫu điện thoại nổi tiếng như iPhone, hầu hết các đời máy đều có một số thành phần gần giống nhau như camera, cổng lightning nhưng ít người có thể biết bên trong thân máy khác nhau những gì.
Ngoài ra mọi thiết bị đều không phải do 1 nhà sản xuất tạo ra từ đầu đến cuối. Ví dụ iPhone có màn hình do Samsung, camera do Sony sản xuất. Với 200 triệu chiếc iPhone bán ra, đây là điều sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế không nhỏ hơn có thể ảnh hưởng tới cổ phiếu của doanh nghiệp sản xuất ra linh kiện đó.
Đây chính là những lý do mà mọi người đều muốn xem quá trình “mổ” iPhone.
iFixit không phải công ty đầu tiên tham gia cuộc đua tháo iPhone. Tuy nhiên qua thời gian, họ đã trở thành trang web “mổ máy” được yêu thích nhất nhờ tốc độ thực hiện nhanh và là công ty đưa ra nhiều đánh giá chính xác nhất về các linh kiện bên trong.
Việc mổ iPhone nhanh nhất không phải là việc đơn giản. Quá trình thực hiện việc này gồm có các bước: Mua được chiếc iPhone mới sớm nhất, chụp X quang để thấy linh kiện bên trong, tháo máy chính xác nhất.
Khó nhất có thể kể tới việc mua máy. iFixit phải tổ chức các nhóm gồm nhiếp ảnh gia, kỹ sư, quản lý tới những nơi bán iPhone đầu tiên trên thế giới như Nhật Bản, Úc hay Anh.
Nhiều kế hoạch được lập ra để nhóm thực hiện có thể có chiếc máy sớm nhất.
Sau khi có được máy, nhóm tiếp tục xem xét chiếc máy một cách cẩn thận và chuyên nghiệp nhất. Đầu tiên là dùng máy chụp X quang để kiểm tra các linh kiện bên trong có gì. Tiếp đó là tách chiếc máy ra.
Đối với chiếc iPhone X lần này, nhóm đã phải nhờ thợ chuyên môn bên ngoài để vận hành máy hàn công nghiệp, giúp bóc tách các linh kiện trên bo mạch xếp chồng lên nhau.
Quá trình chụp ảnh thành quả tháo máy cũng được thực hiện rất cẩn thận
Từng con chip được nhận xét và đánh giá về hiệu năng, độ bền. Sau đó tất cả được chụp ảnh để đội biên tập thực hiện bài chi tiết đăng tải trên trang web.
iFixit lúc này mặc dù là trang web tháo máy được yêu thích nhất nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể nhanh nhất. Năm ngoái thành tích tháo chiếc iPhone 7 nhanh nhất thế giới lại thuộc về diễn đàn Tinhte.vn của Việt Nam.
Việc tháo máy nhanh nhất không phải là để chơi, nó mang lại một nguồn lợi thật sự cho iFixit.
Một bộ công cụ mà iFixit bán
Những nhà sản xuất như Apple hay Samsung tạo ra những sản phẩm rất tốt, nhưng họ lại không chia sẻ hướng dẫn để người dùng tự sửa chữa hay bán các linh kiện. Kết quả người dùng nếu hết bảo hành thiết bị chỉ có cách trả phí sửa chữa cho hãng.
Tuy nhiên iFixit nhờ các hướng dẫn của mình, họ đã bán được linh kiện để người dùng muốn tự sửa có thể thực hiện, ngoài ra họ cũng bán cả các công cụ để thực hiện tháo máy như những người chuyên nghiệp.
Nhờ uy tín, iFixit lúc này còn tổ chức tổ chức cấp chứng chỉ cho những cá nhân hay doanh nghiệp muốn thể hiện chất lượng sửa chữa của họ đạt chuẩn quốc tế.
Lúc này, cuộc đua tháo điện thoại nhanh nhất không phải chỉ có mình iFixit, cũng có rất nhiều công ty bán linh kiện hay công cụ rẻ hơn và chất lượng cao hơn. Nhưng rõ ràng mô hình bán “bia kèm lạc” vẫn giúp trang web có được uy tín lớn cũng như doanh thu từ các dịch vụ tính phí của mình.