Theo Koreatimes, một công ty luật tại Hàn Quốc có tên Hannuri đã nhận được đơn kiện nhà sản xuất của 240.000 người dùng iPhone. Một kế hoạch thu thập thêm các đương sự sẽ được thông qua vào ngày 11/1 tới và dự kiến sẽ có khoảng 300.000 người tham gia vụ kiện này.
Số lượng các đương sự có thể tăng lên khi Hwinyung, một công ty luật khác ở Seoul, cũng đang tập hợp những người dùng iPhone muốn kiện Apple. Theo công ty luật này, hàng nghìn người đã bày tỏ ý định tham gia vụ kiện. Một kế hoạch đăng ký tham gia đã được chuẩn bị trong tháng tới.
"Sau khi Apple thông báo về việc thay thế pin, người tiêu dùng Hàn Quốc lại tức giận hơn", luật sư Park Hwi-young của Hwimyung cho biết.
Đây là những rắc rối tiếp theo trong vụ scandal đang ngày càng có dấu hiệu trở nên trầm trọng của Apple, bất chấp nhà sản xuất Mỹ đã có kế hoạch bù đắp thiệt hại cho khách hàng bằng cách giảm giá chi phí thay pin mới. Theo thông báo, Apple đã quyết định giảm giá thay pin mới từ 79 USD xuống còn 29 USD.
"Apple đã cố tình làm chậm hiệu suất của iPhone cũ, mặc dù rõ ràng có lỗi, công ty vẫn đẩy gánh nặng tài chính của việc đổi pin cho khách hàng của mình", Seo Kwang-duk, người tự nhận là một fan iPhone trung thành cho biết. "Đó là lừa dối khách hàng và phản bội sự tin tưởng của họ".
Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, khi xin lỗi về vụ bê bối pin, Apple cho biết mức giảm giá thay pin sẽ bắt đầu từ cuối tháng 1 đến tháng 12/2018. Tuy nhiên, hiện việc đổi pin đã được thực hiện ở Mỹ. Trong khi đó, văn phòng đại diện của Apple Hàn Quốc lại không có thông tin về thời gian biểu của kế hoạch này.
"Là một người sử dụng iPhone lâu năm, tôi thấy thông báo gần đây của Apple rất đáng thất vọng", Howard Kim, người đang sở hữu một chiếc iPhone 7, nói. "Sẽ là một sai lầm tốn kém cho Apple khi đánh giá thấp người tiêu dùng Hàn Quốc bằng cách cung cấp cho họ các tùy chọn thay thế pin khác với ở Mỹ".
Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc đã yêu cầu Apple đưa ra lời giải thích về sự việc này.
Hiện Apple đang phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện. Người tiêu dùng ở 5 quốc gia là Israel, Pháp, Australia, Mỹ và Hàn Quốc dự kiến cùng đưa nhà sản xuất smartphone này ra tòa.
Ở Pháp, một nhóm bảo vệ môi trường đã đệ đơn tố cáo chống lại Apple vì cho rằng việc hạn chế thời gian sử dụng sản phẩm và tăng tỷ lệ thay thế linh kiện là bất hợp pháp.