Liên quan đến động thái siết chính sách bảo hành của Apple, trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia đều khẳng định đây là bước đi cần thiết nhằm bảo vệ thương hiệu của Apple.
Theo PGS.TS Vũ Trí Dũng, khoa Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân, việc làm của Apple nhằm mục đích: Về quản lý, khách hàng đã sử dụng thương hiệu của Apple thì phải tôn trọng luật pháp, đăng ký đầy đủ, hàng trôi nổi không được bảo hành, từ đó hình ảnh, chất lượng sản phẩm của Apple được đảm bảo.
"Quả táo" chấp nhận hy sinh một chút nhưng hình ảnh, thương hiệu được thống nhất. Đặc biệt, đối với thị trường Việt Nam, tỷ lệ copy rất cao. Đây là cách rèn ý thức tuân thủ pháp luật của người tiêu dùng.
Ngoài ra, đây cũng là biện pháp để Apple hỗ trợ kênh bán hàng, mà cụ thể là các đại lý ủy quyền đang bị hàng xách tay cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ.
|
Apple đang siết lại chính sách bảo hành |
Phân tích sâu hơn về bước đi của Apple, Ths Nguyễn Bình Minh, Phó Trưởng khoa Thương mại Điện tử, Đại học Thương mại cho biết, trong lĩnh vực phân phối các thiết bị điện tử, trước sau các hãng cũng đi theo cách làm của Apple.
Theo đó, khi hãng đã thiết lập ổn định kênh phân phối ở khu vực nào đó, chính kênh phân phối ấy sẽ yêu cầu bảo vệ hàng chính hãng thay vì hàng trôi nổi, hàng không nguồn gốc vì họ không muốn gánh trách nhiệm thay cho những người kinh doanh không thuộc hệ thống phân phối.
"Vì vậy, việc siết chính sách bảo hành tác động không nhiều đến hệ thống sản phẩm của Apple vì những người dùng iPhone đều là những người ở phân khúc high-end (cao cấp), họ chỉ có nhu cầu dùng điện thoại chất lượng.
Ngay cả khi khách hàng mua sản phẩm ở nước ngoài, việc yêu cầu chứng từ không có gì khó khăn, cho nên chính sách này không ảnh hưởng nhiều.
Chỉ có những điện thoại tân trạng lại sẽ gặp khó khăn. Những sản phẩm ấy có giá thấp hơn thị trường, không phải là hàng mới tinh, cũng không phải sản phẩm được cửa hàng trong hệ thống phân phối đưa ra theo nguồn chính thức.
Bởi thế, suy cho cùng, động thái này của Apple không phải là "đuổi khách", dù tất nhiên nó sẽ gây ra chút xáo trộn, làm cho người dùng bực mình nhưng sau đó nó vào nề nếp, không có vấn đề gì nghiêm trọng", Ths Nguyễn Bình Minh phân tích.
Chính động thái này của Apple sẽ tạo lợi thế cho các đại lý ủy quyền, Ths Minh nhận xét.
Các sản phẩm phân phối không đúng luồng có giá rẻ hơn nhờ chính sách khuyến mãi hoặc có mức giá khác nhau giữa các khu vực.
Chẳng hạn, vì mục đích doanh số, sản phẩm sẽ chạy khuyến mãi ở Trung Quốc hay Hongkong, Trung Qucc bán ra với giá rất rẻ và tuồn về Việt Nam, khi ấy thị trường Việt Nam sẽ bị thâm hụt. Chính vì thế, chính các đại lý ủy quyền sẽ đòi hỏi hãng phải gây áp lực cho những sản phẩm không đúng luồng.
"Đây là một cách để Apple hỗ trợ cho kênh bán hàng, làm cho kênh của họ minh bạch và rõ ràng hơn, tránh những người kinh doanh nhỏ lẻ hoặc kinh doanh theo kiểu lợi dụng các chính sách khuyến mại, tức nó không mang tính chất chuyên nghiệp, tính chất chiến lược.
Những đối tượng kinh doanh ấy có thể mua sản phẩm ở Hongkong nhân dịp nào đó và đưa về, quấy nhiễu thị trường vì mức giá có thể thay đổi, làm cho hãng mất kiểm soát ở các thị trường", Ths Nguyễn Bình Minh nói.
Tự tin vì thương hiệu có giá trị khác biệt
PGS.TS Vũ Trí Dũng nhận định, khi Apple siết chính sách bảo hành, đây sẽ là cơ hội cho Samsung, nhưng "quả táo" sẵn sàng chấp nhận để củng cố hình ảnh, giữ uy tín. Hơn nữa, đây là hàng cao cấp nên người tiêu dùng sẵn sàng mua hàng chính hãng.
Trong khi đó, Ths Nguyễn Bình Minh cho rằng, những hàng tân trang lại hay hàng trôi nổi cũng có cách bảo hành của riêng họ. Chỉ có điều, quyền lợi của người dùng sản phẩm đó không được nhiều như trước đây.
"Trước đây vì không có các kênh chính thức hoặc chưa chuẩn hóa thì người ta sử dụng chính sách bảo hành toàn cầu, nghĩa là cầm xách sản phẩm đi đâu cũng bảo hành.
Nhưng khi số lượng sản phẩm đã lớn, ở một kênh đủ lớn và có một số ưu đãi nhất định thì người ta thích được ở kênh riêng của mình để có chính sách ưu đãi riêng cho khách hàng của mình hơn là những cái mà người khác bán", Ths Minh cho biết.
Nói thêm về điều này, TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) phân tích, dải sản phẩm smartphone của Samsung rộng hơn Apple.
Apple tập trung vào phân khúc cao cấp trong khi Samsung có nhiều sản phẩm tầm trung. Với phân khúc cao cấp, iPhone và Galaxy cạnh tranh nhau. Tuy nhiên một số dòng tầm trung của Samsung đang bị Huawei, Xiaomi... của Trung Quốc bám đuổi quyết liệt.
"Do Apple có lượng khách hàng trung thành rất lớn nên họ tự tin xây dựng chiến lược bảo vệ thương hiệu của họ, ví dụ: sự "bắt ép" khách hàng kiểu như hiện nay, mà không sợ doanh thu bị ảnh hưởng nhiều.
Đây là chính sách thương hiệu toàn cầu của Apple nên sự kiện gần đây ở Việt Nam là hệ quả của chính sách toàn cầu này khi họ cảm thấy đã đến lúc họ áp đặt luật chơi tại Việt Nam (khi cảm thấy lượng khách hàng trung thành của họ đã đủ lớn).
Samsung thì khác, nếu họ áp dụng riêng chính sách bảo trì cho dòng smartphone cao cấp của mình thì không được, mà nếu áp dụng chung cho cả phân khúc cao và trung thì có thể bị mất nhiều thị phần cho những nhà sản xuất smartphone của
Trung Quốc. Khi đó thì lợi bất cập hại cho Samsung.
Việc "bắt ép" khách hàng như Apple hiện nay thể hiện uy lực của họ trong thị trường smartphone cạnh tranh gay gắt hiện nay vì thương hiệu của họ có giá trị khác biệt so với tất cả những thương hiệu còn lại (Samsung, Sony, Huawei...)", TS Thắng chỉ rõ.
Thành Luân
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]