Mặc dù thương vụ mua lại Nokia trị giá 7,6 tỷ USD chưa chứng tỏ bất cứ thành công nào, song với việc ra mắt Windows 10, đại gia phần mềm Microsoft đang muốn chứng tỏ họ sẽ mang lại “những điều hoàn toàn khác biệt” cho Windows Phone.
Xem lại các chiến lược smartphone của Microsoft, không ít người tự hỏi vì sao công ty vẫn chưa từ bỏ mảng kinh doanh này!
Tập đoàn công nghệ lớn ngự trị tại Redmond, Washington là một người đi tiên phong trong ngành công nghiệp smartphone, sáng tạo ra phần mềm chạy trên điện thoại nhiều năm liền trước khi có iOS của Apple và Android của Google.
Microsoft đã rất nhiều lần làm lại kế hoạch, bao gồm cả việc ra Windows Phone năm 2010, một phần mềm được đánh giá khá cao dành cho smartphone, nhưng lại rất ít người thực sự mua về dùng.
Sau đó, vào đầu năm 2014, công ty đã mua lại mảng kinh doanh thiết bị của Nokia, đối tác lớn nhất của hãng và từng là nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới.
Nếu Microsoft không thể tự mình thu hút người dùng đến với Windows Phone của hãng, công ty cũng hy vọng việc mua lại đối tác thiết bị lớn nhất có thể giúp ích và thiết lập cho hãng một vị thế trong mảng sản xuất điện thoại. Nhưng cuối cùng, dường như Microsoft đã rót hàng tỷ USD vào một thương vụ không thành công.
Danh sách thất bại của Microsoft khá dài: phần mềm di động của Microsoft chỉ được chưa đến 3% người dùng smartphone sử dụng. Các nhà phát triển ứng dụng lớn nhất thế giới tiếp tục tập trung vào iPhone và các thiết bị Android.
Khối tài sản Nokia cũng dần mai một, khiến Microsoft lâm vào quý thua lỗ lớn nhất trong lịch sử công ty. Microsoft cũng phải sa thải phần lớn trong số 25.000 nhân viên đến từ Nokia.
Vậy tại sao Microsoft vẫn chưa quẳng Windows Phone vào sọt rác? Ngay cả các chuyên gia cũng không biết nguyên nhân chính xác.
“Microsoft đã thất bại với Windows Phone”, Roger Kay, nhà phân tích của Endpoint Technologies Associates, nói. “Nếu họ còn mắc sai lầm nữa, chẳng có lý do gì để tin họ có thể phục hồi”.
Windows Phone sẽ “lột xác” thành Windows 10 Mobile
CEO Satya Nadella của Microsoft nói công ty vẫn chưa từ bỏ mảng kinh doanh điện thoại.
“Tôi khẳng định Microsoft sắp ra những thiết bị mới, trong đó có điện thoại”, ông Nadella nói hồi đầu tháng Bảy. Công ty có kế hoạch tiếp tục sản xuất điện thoại giá rẻ, điện thoại dành cho người dùng doanh nghiệp và các thiết bị chủ lực – những thiết bị có thể đối đầu với iPhone hoặc Samsung Galaxy – dưới dòng máy Lumia, nhãn hiệu nổi tiếng mà Microsoft có được từ Nokia.
Tuy nhiên, những gì Nadella thực sự muốn nói, là ngành kinh doanh điện thoại là phần rất quan trọng với Windows 10, hệ điều hành mới của hãng dành cho PC, tablet, máy chơi game, và tất nhiên, cả smartphone.
Microsoft ra Windows 10 vào 29/7, và cuối năm nay sẽ có đợt cải tạo lớn dành cho Windows Phone, với tên gọi chính thức là Windows 10 Mobile.
“Chúng tôi đang chuyển đổi chiến lược phát triển mảng kinh doanh điện thoại độc lập, sang chiến lược phát triển và tạo ra một hệ sinh thái Windows, bao gồm toàn bộ gia đình thiết bị của Microsoft”, ông Nadella nói. Trong trường hợp đó, điện thoại của Microsoft không chỉ là công ty cạnh tranh với các sản phẩm khác, mà còn là một thành phần cần thiết cho cả hệ sinh thái công ty.
Đó là vì Windows 10 sẽ là ngôi sao trong tất cả các mảng kinh doanh của Microsoft, từ PC đến Xbox One và tất nhiên, các thiết bị di động. Công ty đã nỗ lực rất nhiều để Windows 10 hấp dẫn người dùng và nhà phát triển phần mềm.
Một trong những tính năng chính của nó là nó trông rất quen thuộc, dù bạn đang sử dụng thiết bị nào. Đối với các nhà phát triển, Windows 10 rất dễ viết ứng dụng, và nó sẽ chạy trên bất cứ thiết bị nào chạy Windows.
Ngoài ra, Microsoft muốn người dùng cảm thấy như các ứng dụng có thể chạy tren bất cứ thiết bị nào. Nghĩa là nếu bạn nối smartphone vào PC, bạn sẽ có thể dùng ứng dụng trên màn hình lớn của PC. Tính năng Continuum là một trong những mấu chốt để Windows 10 Mobile khác biệt với các nền tảng đối thủ.
Như vậy, hãy tưởng tượng bạn có một chiếc điện thoại, và nó có thể trở thành một chiếc PC với đầy đủ tính năng. Viễn cảnh này cho thấy Microsoft đang định vị nền tảng điện thoại của hãng như một công xưởng phần mềm, có thể xử lý mọi nhiệm vụ mà sản phẩm của đối thủ không thể làm.
Mọi ứng dụng trên iOS và Android sẽ dùng được trên Windows Phone
Nếu kinh doanh điện thoại là một con tàu đang chìm, Microsoft đã có phao bơi.
Dưới triều đại của Nadella, Microsoft đã bắt đầu liên tục thay đổi chiến lược hòng có chỗ đứng trên mảng di động. Kể từ khi giới thiệu Office cho iPad vào tháng 2/2014, Microsoft đã không còn bán phần mềm này nữa, mà đang “cho không”.
Microsoft cung cấp miễn phí Word, PowerPoint và Excel cho các thiết bị chạy iOS và Android. Microsoft đang đưa Windows đến các nền tảng khác – từ trình duyệt web, iOS, Android và thậm chí cả máy Mac.
Không ít người đặt câu hỏi: Tại sao Microsoft vẫn ở trong ngành kinh doanh điện thoại, sau bao thất bại trầy trật như thế?
Có một thực tế có thể cho thấy mảng kinh doanh phần cứng vẫn chưa chết. Microsof bán được 8,4 triệu máy Lumia trong quý vừa qua, và hàng chục triệu điện thoại khác trên thị trường thiết bị giá rẻ. Điều đó có nghĩa vẫn có một số lượng người dùng Windows Phone đang hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ Microsoft.
Công ty luôn cố gắng mang lại ánh sáng cho các nỗ lực di động của hãng tại các sự kiện công nghệ cao cấp như diễn đàn Build. Tại sự kiện Build gần đây nhất hồi tháng Tư, hãng đã hứa hẹn với các nhà phát triển về cơ hội đưa các ứng dụng iOS và Android sang Windows Phone bằng một phần mềm dễ sử dụng.
Hứa hẹn trên thực sự mang lại rất nhiều hy vọng cho các nhà phát triển lẫn người dùng Windows Phone, khi mà nhiều ứng dụng phổ biến vẫn còn vắng mặt trên Windows Phone.
Có lẽ, Microsoft đang chờ thời cơ để phát triển phần mềm di động. Và hãng đang nhận thức rằng: nếu không có điện thoại, hãng sẽ tụt hậu phía sau thời đại. Bởi vì, giờ đây, tất cả phát triển đang nằm trong điện thoại.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]